Kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện ngôi sao đơn lẻ xa nhất mà nó từng quan sát được, cách Trái đất 28 tỷ năm ánh sáng. Ngôi sao này có thể nặng hơn Mặt trời từ 50 đến 500 lần và sáng hơn hàng triệu lần.
Kính viễn vọng Hubble phát hiện một ngôi sao xa nhất từ trước tới nay, cách Trái đất 28 tỷ năm ánh sáng.
Đây là lần phát hiện xa nhất về một ngôi sao, kể từ 900 triệu năm sau vụ nổ lớn (Big Bang). Các nhà thiên văn đã đặt biệt danh cho ngôi sao này là Earendel, bắt nguồn từ một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là "sao mai" hoặc "ánh sáng đang lên".
Quan sát này phá vỡ kỷ lục do chính kính viễn vọng không gian Hubble thiết lập vào năm 2018 khi thu được hình ảnh một ngôi sao tồn tại lúc vũ trụ khoảng 4 tỷ năm tuổi.
Quan sát về Earendel có thể giúp các nhà thiên văn học nghiên cứu thời kỳ sơ khai của vũ trụ.
Victoria Strait, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Cosmic Dawn ở Copenhagen, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: “Khi chúng ta nhìn vào vũ trụ, chúng ta cũng nhìn lại thời gian. Do đó, những quan sát có độ phân giải cực cao này cho phép chúng ta hiểu được các khối cấu tạo của một số thiên hà đầu tiên".
Nguồn TPO
Theo CNN