Microsoft - Activision Blizzard đang là thương vụ công nghệ lớn nhất. Ảnh: Reuters
Ngày 18/1, Microsoft tuyên bố mua Activision Blizzard. Đây là vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, vượt qua sự kiện Dell mua EMC với giá 67 tỷ USD năm 2016. Số tiền Microsoft bỏ ra cũng vượt xa mức 26 tỷ USD họ từng chi để mua mạng xã hội LinkedIn. Thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm tài chính 2023.
Giới công nghệ nhận định, động thái mới được cho là sẽ giúp Microsoft có thêm lợi thế trong lĩnh vực game. Activision Blizzard hiện là một trong những hãng game lớn nhất với hơn 10.000 nhân viên khắp thế giới, thu hút 400 triệu người dùng hàng tháng tại 190 quốc gia. Công ty sở hữu nhiều trò chơi đình đám như Warcraft, Diablo, Overwatch, Call of Duty và Candy Crush.
Sony mua Bungie (3,6 tỷ USD)
Logo của Bungie (phải) và Sony PlayStation (trái). Ảnh: SIE
Ngay sau khi Microsoft mua lại Activision Blizzard, ngày 31/1, Sony thông báo sẽ mua Bungie - studio trò chơi đứng sau các game nổi tiếng như Destiny và Halo.
Bungie bắt đầu hoạt động đầu những năm 1990, chuyên xây dựng trò chơi cho máy Mac đến khi được Microsoft mua lại vào năm 2000, trở thành một phần của Microsoft Game Division. Năm 2007, Bungie tách khỏi công ty mẹ và hoạt động độc lập cho đến khi được Sony mua lại. Thương vụ hoàn tất vào tháng 7.
Intel mua Tower Semiconductor (5,4 tỷ USD)
Logo Tower Semiconductor hiển thị trên smartphone chụp ngày 15/2. Ảnh: Reuters
Ngày 15/2, Intel công bố việc mua lại công ty đúc chip Tower Semiconductor. Thỏa thuận dự kiến hoàn tất đầu năm sau.
Việc Intel thâu tóm công ty chuyên sản xuất chip được cho là nhằm tăng năng lực để cạnh tranh với các công ty tương tự, như TSMC hay Samsung. Trước đó, Intel tách nhánh sản xuất chip thành một công ty riêng có tên Intel Foundry Services (IFS). Randhir Thakur, Chủ tịch IFS, từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia rằng tham vọng của công ty là trở thành xưởng đúc chip đứng thứ hai thế giới vào cuối thập kỷ này.
Elon Musk mua Twitter (44 tỷ USD)
Elon Musk. Ảnh: AP
Việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter là thương vụ thu hút sự chú ý nhất năm nay. Ngày 25/4, ông tuyên bố mua mạng xã hội với giá 44 tỷ USD, nhưng sau đó viện nhiều lý do để “hủy kèo”. Twitter sau đó kiện ông ra tòa.
Cuối tháng 10, Musk lại chấp nhận mua Twitter đúng giá thỏa thuận. Sau khi lên nắm quyền, ông thực hiện một loạt thay đổi, gồm sa thải đội ngũ hàng đầu cùng hơn một nửa nhân viên, thu phí xác minh Twitter Blue, mở khóa cho nhiều tài khoản bị cấm...
Gần nhất, Musk tổ chức thăm dò ý kiến trên mạng xã hội rằng ông có nên từ chức CEO Twitter. Gần 60% trong số hơn 17 triệu tài khoản tham gia chọn đồng ý. Ông tuyên bố “tuân thủ kết quả của cuộc thăm dò”.
Broadcom mua VMware (61 tỷ USD)
Một mẫu chip Broadcom trên bảng mạch. Ảnh: Broadcom
Ngày 26/5, hãng chip Broadcom cho biết sẽ mua lại công ty phần mềm VMware với giá 61 tỷ USD. Mức giá này được tính dựa trên giá trị cổ phiếu của công ty ngày 25/5, và được trả bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Broadcom cũng sẽ chịu trách nhiệm cho khoản nợ 8 tỷ USD của VMware. Đây là vụ mua bán lớn thứ ba lịch sử ngành công nghệ, sau thỏa thuận 69 tỷ USD của Microsoft - Activision Blizzard và Dell mua EMC giá 67 tỷ USD năm 2016.
Broadcom khi đó cho biết động thái mới nhằm giúp công ty có thể cung cấp một giải pháp tổng thể về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho khách hàng của mình. Sau khi hoàn tất, mảng phần mềm của hãng là Broadcom Software Group sẽ được đổi tên và hoạt động thống nhất dưới thương hiệu VMware.
Oracle mua Cerner (28 tỷ USD)
Bên ngoài văn phòng Oracle ở Dublin (Ireland) tháng 10/2021. Ảnh: Reuters
Cuối 2021, Oracle thông báo chi 28,3 tỷ USD tiền mặt để mua hãng phần mềm y tế Cerner. Vào tháng 6, thương vụ hoàn tất.
Theo Oracle, công ty sẽ sử dụng dữ liệu từ Cerner để cải thiện các dịch vụ đám mây dựa trên AI. Điều này có thể mang lại lợi thế cho Oracle và thu hút nhiều khách hàng chăm sóc sức khỏe hơn đến với nền tảng đám mây của họ.
Nguồn Zing