Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Sáng 9.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tập đoàn: Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp - Viễn thông (Viettel), Điện lực Việt Nam (EVN); lãnh đạo các Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone, Viễn thông toàn cầu (Gtel).
Tại điểm cầu hội trường UBND tỉnh, dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 06; lãnh đạo VNPT, Viettel Tây Ninh.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó, có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể.
Đối với việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, cơ bản đã hoàn thành và đạt kết quả tích cực, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Điểm nổi bật là Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó, việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn, đồng thời, Bộ đang tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022” trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tính đến ngày 31.7.2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành (Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp); 4 doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel, Vinaphone, Mobifone) và 14 địa phương (thành phố Hà Nội, Yên Bái, Lai Châu, Ninh Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Hà Tĩnh).
Kết quả làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cụ thể như sau: Thông tin Bảo hiểm xã hội của 27.216.286 công dân; 92.055.586 mũi tiêm phòng Covid-19 của công dân; thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 1.899.264 công dân; thông tin đăng ký xe 458.111 công dân; thông tin hộ chiếu 1.323.670 công dân; thông tin xuất nhập cảnh vào Việt Nam 224.752 công dân...
Ngoài ra, còn triển khai các giải pháp hỗ trợ các đoàn thể xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác; triển khai kết nối các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tục làm CCCD cho học sinh tại xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, Tây Ninh (ảnh minh hoạ)
Đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử
Ngày 18.7.2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến ngày 31.7.2022, hệ thống đã thu nhận 6.159.738 hồ sơ và cấp 7.837 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Công tác cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 67 triệu thẻ cho công dân.
Triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chip điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực, điển hình như: sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (gần 7.000/13.166 cơ sở y tế đã thực hiện, đạt 53,1%); thí điểm xác thực danh tính qua thẻ CCCD tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Pvcombank), thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022.
Đổi mới tư duy, đột phá, có tầm nhìn chiến lược
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực chung tay, đồng hành tham gia có hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ, sự đồng lòng, ủng hộ tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai chuyển đổi số nói chung, trong đó, có Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan toả cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả về trước mắt và lâu dài nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, triển khai thành công đề án, Thủ tướng đề nghị cần phải có tư duy đổi mới, tính đột phá, tầm nhìn chiến lược để không lãng phí nguồn lực; phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị, của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Triển khai hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế - xã hội.
Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối liên thông, chia sẻ cao, không chỉ phục vụ cho sự phát triển Chính phủ số mà còn là nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm, đề cao trách nhiệm và đứng đầu; khen thưởng, động viên kịp thời và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thời gian tới cần phải thể hiện được tính thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh an toàn cho người dân.
Chuyển đổi số quốc gia là công việc có tính chiến lược, phải bắt đầu bằng những mục tiêu, hành động cụ thể, làm việc nào dứt việc đó. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng thời quán triệt, tạo sự lan toả trong hệ thống chính trị nói chung, trong cán bộ, công nhân viên chức- đặc biệt là sự vào cuộc của người dân.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử... nhất là các lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng, cho vay tín chấp, tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công nhân khác... Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm: bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch sim rác, tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...
Hội nghị đã chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng các dịch vụ.
Thông qua VneID, cho phép người dân cập nhật thêm các thông tin cá nhân lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên.
Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, có khoảng 3 - 5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10 tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng; cung cấp 8-10 tiện ích cho người dân như: định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, đặc biệt là dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số, người khó tiếp cận các dịch vụ thông tin.
Trúc Ly