Những mỏ khoáng sản sâu hút, nguy hiểm như thế này có thể sẽ được “cứu” bởi tro, xỉ than. Ảnh minh hoạ
Thêm loại vật liệu dùng để san lấp mặt bằng
Tro, xỉ than là một phế thải phát sinh trong quá trình sản xuất nhiệt điện hay từ các nhà máy sản xuất công nghiệp có sử dụng than đá vận hành lò hơi, lò dầu tải nhiệt... Than đá sau khi được sử dụng làm nhiên liệu đốt thì sản phẩm còn lại từ 10%-15% chất vô cơ không cháy hết và kết dính thành hạt lớn rơi xuống đáy gọi là xỉ than. Các chất vô cơ không cháy còn lại được hình thành dưới dạng khói và thoát ra ngoài gọi là tro bay.
Loại phế thải này không những tốn nhiều diện tích để chôn lấp mà còn là nguồn gây ô nhiễm đất, nước và không khí, nếu không thực hiện xử lý đúng quy định sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong một thời gian dài, nguồn phế thải này là bài toán khá nan giải và làm đau đầu các nhà lãnh đạo, quản lý cũng như chủ các doanh nghiệp.
Trước vấn đề này, các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đã chứng minh tro, xỉ than là nguyên liệu có giá trị để sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Chính vì thế, trong thời gian qua, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp đã tìm cách tận dụng nguồn phế thải này và ứng dụng chúng vào trong cuộc sống như: làm chất liên kết, gia cố các công trình giao thông, làm nguyên liệu sản xuất làm gạch không nung, phối trộn tro bay làm bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ, san lấp mặt bằng, tận dụng xỉ than để trồng rau sạch... Các ứng dụng trên bước đầu mang lại hiệu quả tích cực và có thể phát triển rộng rãi trong cuộc sống.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở đẩy mạnh việc xử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu VLXD nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, số lượng tro, xỉ than được sử dụng cho mục đích sản xuất gạch không nung, bê tông... còn rất khiêm tốn (do thành phần, chất lượng tro, xỉ than của Việt Nam có nhiều tạp chất).
Với nhiều tính năng ưu việt và đặc biệt là bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng tài nguyên, việc ứng dụng tro, xỉ than làm nguyên liệu thay thế vào các công trình xây dựng mặc dù bước đầu có hiệu quả nhưng hiện nay tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa chấp nhận.
Vì vậy, trong khi chờ đợi các quy trình xử lý tro, xỉ được đưa vào sử dụng một cách rộng rãi, hiệu quả thì trước mắt, việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng theo đúng quy chuẩn thiết kế của Bộ Xây dựng vẫn là giải pháp ưu tiên (khi cần thiết vẫn có thể tiếp tục khai thác sử dụng lại) tại các điểm mở sau khai thác sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường, không gây lãng phí nguồn tài nguyên và các vấn đề xã hội khác là hết sức cần thiết.
Sử dụng tro, xỉ thay thế khoáng sản tự nhiên
Trước đây, theo quy định Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13.5.2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và hiện nay theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký) đã đưa ra các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiêu thụ tro, xỉ như: cho phép áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp Việt Nam chưa có tiêu chuẩn; coi tro, xỉ đạt các tiêu chuẩn làm VLXD là sản phẩm hàng hoá VLXD; tạo thuận lợi hơn trong việc vận chuyển tro, xỉ.
Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18.8.2020 trong đó có nhiều nội dung chỉ đạo việc tăng cường xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao thay thế nguồn tài nguyên khoáng sản tự nhiên trong sản xuất VLXD và làm VLXD.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26.3.2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.
Sản phẩm VLXD tại một nhà máy ở Tây Ninh có sử dụng tro bay.
Thực hiện chủ trương trên, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND các địa phương chủ động lập kế hoạch sử dụng tro, xỉ vào mục đích san lấp mặt bằng và sử dụng vào các mục đích phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ- CP nói rõ tro, xỉ, thạch cao được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường và các chất thải rắn công nghiệp thông thường khác đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng do cơ quan có thẩm quyền ban hành được quản lý như đối với sản phẩm hàng hoá vật liệu xây dựng.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về việc sử dụng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và ban hành quyết định chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp. Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12249:2018 - tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp.
Qua đó, có thể thấy xỉ than đá phát sinh từ quá trình đốt than đá vận hành lò hơi, lò dầu tải nhiệt của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được chứng nhận là chất thải rắn thông thường và thoả mãn các quy định trong TCVN 12249:2018 sử dụng để san lấp là phù hợp với ý kiến chỉ đạo Văn phòng Chính phủ.
Hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc sử dụng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh góp phần hạn chế đến mức tối thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, góp phần tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên làm VLXD, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm đất làm bãi chứa chất thải.
Do đó, tỉnh đã có định hướng để các nhà máy hoá chất, phân bón đầu tư xây dựng thiết bị dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại xử lý tro, xỉ thạch cao đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng; ứng dụng tro xỉ trong sản xuất VLXD, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm VLXD tốt hơn với chi phí rẻ, góp phần nâng cao thu nhập người dân, góp phần ổn định và phát triển xã hội.
Với chủ trương này, tỉnh sẽ đẩy mạnh các ứng dụng tro xỉ nêu trên trong công nghiệp sản xuất VLXD và trong việc thi công các công trình xây dựng như làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật, thuỷ lợi, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt, tỉnh quan tâm ứng dụng tro, xỉ trong ngành công nghiệp xi măng nhằm giảm thiểu tối đa lượng khí thải CO2 ra môi trường.
Vì thế, các nhà máy hóa chất, phân bón khi đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc cải tạo có phát thải tro, xỉ, thạch cao thì khi phê duyệt dự án phải bao gồm thiết kế đồng bộ thiết bị, dây chuyền xử lý tro, xỉ, thạch cao bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.
An Khang
(còn tiếp)