Xe kéo container đậu trên một tuyến đường ở Mộc Bài (ảnh Hoàng Anh - Thế Nhân)
Quy hoạch các KKTCK không chỉ đơn thuần là sản xuất, buôn bán, trao đổi hàng hoá thông thường mà còn bao gồm các hoạt động hợp tác về khoa học - công nghệ, đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch qua biên giới, giao lưu kinh tế, văn hoá và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam - Campuchia và một số nước trong khối ASEAN. Các KKTCK còn là trung tâm thương mại, du lịch và là đầu mối giao thông trong nước, quốc tế; là điểm trung chuyển và giao thương qua lại giữa Việt Nam (bao gồm các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) và Campuchia.
Thời gian gần đây, Trung ương và địa phương đã và đang tập trung giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sự phát triển các KKTCK trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh định hướng phát triển các KKTCK trong thời gian tới là tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng các khu đô thị cửa khẩu thành đô thị công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng phát triển bền vững; giữ vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ðối với KKTCK Mộc Bài, Tây Ninh tập trung phát triển các dịch vụ cửa khẩu, logistics, phát triển các khu công nghiệp; thu hẹp khu phi thuế quan, phát triển thương mại dịch vụ gắn liền với nhà ở đô thị; thu hút đầu tư tạo các sản phẩm du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí.
Cụ thể, tỉnh tận dụng cơ hội cửa ngõ hành lang kinh tế Xuyên Á, với nhu cầu quá cảnh hàng hoá của các khu công nghiệp (KCN) phía Campuchia ra các cảng tại TP. Hồ Chí Minh, KKTCK Mộc Bài có thể phát triển mạnh dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hoá và trở thành động lực mới để thu hút đầu tư phát triển.
Tỉnh cũng đẩy nhanh quá trình phát triển các KCN trong KKTCK Mộc Bài, tích cực mời gọi đầu tư vào KCN. Khi có các nhà máy, xí nghiệp hoạt động, có sự dịch chuyển lao động về KKTCK thì nhu cầu nhà ở, tiêu dùng tăng nhanh, là động lực cho đô thị hoá nhanh, kích thích dịch vụ phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, bảo tàng, nơi nghỉ dưỡng, thể thao và các dịch vụ hướng đến phục vụ cho hơn 2 triệu lượt khách qua cửa khẩu Mộc Bài hằng năm cũng như đáp ứng nhu cầu của khoảng 10 triệu dân TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, du lịch.
Từ năm 2018, KKTCK Mộc Bài được chia thành 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (2018-2020): Trên cơ sở thực trạng KKTCK hiện tại, với các khu chức năng và dự án đã có chủ trương đầu tư, các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, tỉnh cho rà soát, giải quyết các vướng mắc, tồn tại của nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Ðồng thời, tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án mà nhà đầu tư không có khả năng triển khai; chuyển đổi công năng một số khu thương mại dịch vụ hoạt động kém hiệu quả; phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước các ngành, lĩnh vực ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường để phát triển các KCN; kêu gọi đầu tư các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, từng bước cải cách thủ tục xuất nhập khẩu…
Trong giai đoạn 2 (định hướng đến năm 2030), tỉnh vận hành áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”, từng bước phát triển kinh tế qua biên giới, làm cho khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài trở thành đô thị vệ tinh kết nối TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh.
Ðối với KKTCK Xa Mát, tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch khu đô thị cửa khẩu theo hướng phát triển các dịch vụ cửa khẩu, kho bãi, logistics; tận dụng được quỹ đất đã bồi thường giải toả để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn KKTCK; chú trọng vào việc thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hàng hoá - dịch vụ qua biên giới, phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại...
Trước thực trạng bất cập thời gian qua, tỉnh định hướng điều chỉnh quy hoạch chung các KKTCK và trung tâm đô thị mới cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng tính kết nối hạ tầng giao thông với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát.
Quy hoạch khu đô thị cửa khẩu Xa Mát được điều chỉnh giảm quy mô diện tích cho phù hợp (còn khoảng 400 ha). Song song đó, tỉnh rà soát các dự án chậm triển khai trong KKTCK Mộc Bài, làm việc trực tiếp với từng nhà đầu tư, nắm tình hình thực tế và vận dụng các giải pháp linh hoạt để xử lý, kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, cho thuê đất khi chủ đầu tư không còn động lực hoặc không còn khả năng triển khai dự án.
Tỉnh cũng xem xét tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sang nhượng dự án, chuyển đổi chủ đầu tư để có nguồn lực tiếp tục triển khai dự án. Trường hợp nhà đầu tư cần chuyển đổi công năng, tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ cho các dự án này chuyển đổi công năng mới theo đề xuất của nhà đầu tư, phù hợp với định hướng phát triển của KKTCK.
Ðể thu hút đầu tư hiệu quả hơn, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KKTCK; thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các nhà đầu tư đang sản xuất kinh doanh.
Ðình Chung
Theo một tài liệu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài những năm qua tăng theo xu hướng chung của cả nước. Hàng hoá xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là hàng gia dụng, khí hoá lỏng, rau, quả, củ, dầu ăn. Tỷ trọng hàng hoá Việt Nam có mặt tại thị trường Campuchia càng tăng (chiếm khoảng 40%-45% hàng hoá lưu thông tại đây).
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Xa Mát, Chàng Riệc trong những năm qua có chiều hướng giảm. Nguyên nhân phía Campuchia không xuất khẩu mặt hàng gỗ loại I vào thị trường Việt Nam và hạn chế xuất khẩu nông lâm sản thô. Tại cửa khẩu Xa Mát, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, đồ nội thất bằng gỗ, thực phẩm các loại, nguyên phụ liệu may, hàng hoá khác, hàng may mặc tiêu dùng, cao su thiên nhiên; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, thực phẩm các loại, củ mì, mì lát, cao su thiên nhiên, gỗ.