Cần có giải pháp chấn chỉnh đất lúa bị bỏ hoang phí (ảnh minh hoạ)
Thực tế cho thấy, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh có những biện pháp quản lý chặt việc tách thửa, chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa. Nhưng thời gian qua, giới đầu nậu và “cò đất” vẫn lợi dụng những “kẽ hở” của các quy định để chuyển nhượng đất lúa. Trong đó có một phần lơ là về mặt quản lý của chính quyền cấp xã.
Chính quyền cấp xã có “lách luật”?
Tháng 3.2022, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh có ban hành công văn về việc chấn chỉnh công tác thẩm định hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho đất lúa gửi Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Điều 3 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29.9.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Trong thời gian qua, công tác thẩm định hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa tại chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn chi nhánh thực hiện chưa tốt, đơn xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn chưa đầy đủ, chưa bảo đảm theo quy định.
Theo đó, UBND xã, phường, thị trấn (nơi đăng ký hộ khẩu) xác nhận chưa đầy đủ nội dung (thiếu nội dung hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc thiếu nội dung có xác nhận có nguồn thu ổn định từ sản xuất nông nghiệp) như hai vợ chồng hộ khẩu 2 nơi nhưng chỉ xác nhận 1 nơi; hai người đồng sở hữu nhưng chỉ xác nhận 1 người; lấy nội dung xác nhận đất lúa ở địa phương khác làm hồ và một số sai sót khác.
Để khắc phục các hạn chế trên và thực hiện đúng quy định pháp luật. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện một số nội dung như sau:
Kiểm tra các nội dung xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn phải bảo đảm theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Điều 3 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29.9.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP (đặc biệt chú ý các trường hợp ngoài tỉnh nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa).
Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, thời gian qua, việc tách thửa là đúng quy định. Tuy nhiên, đối với việc để người dân tự đến UBND xã xác nhận có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc có nguồn thu ổn định từ sản xuất nông nghiệp là sai quy định.
Vấn đề này đã được tỉnh yêu cầu giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố kiểm điểm. Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện quy trình kiểm điểm đối với các giám đốc chi nhánh theo quy định.
Siết chặt chuyển nhượng đất lúa
Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, sắp tới, đơn vị này yêu cầu các chi nhánh thẩm định hồ sơ về chuyển nhượng, cho tặng chặt chẽ hơn, hạn chế thấp nhất những sai sót.
Trở lại vấn đề “cò đất”, khi thấy phóng viên không liên lạc như đã hứa. Người phụ nữ này ngay trong buổi sáng điện thoại cho phóng viên, khi nghe phóng viên băn khoăn về việc mua đất lúa không chắc ăn, nhất là cả hai vợ chồng đều làm nhân viên. Người phụ nữ này khẳng định chắc nịch: cứ đi coi đất trước, nếu ưng ý mua thì chị sẽ hướng dẫn làm thủ tục miễn sao hồ sơ hợp lệ là được (?!).
Không thể khẳng định trong việc chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất lúa còn “kẽ hở” nào để “cò đất” khai thác mua bán đất lúa hay không? Tuy nhiên, qua những gì mà Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phát hiện yêu cầu chấn chỉnh có thể thấy rằng, vẫn còn một số UBND cấp xã chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc xác nhận hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho đất lúa theo quy định. Đây là một vấn đề cần quan tâm và cần quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cần xem lại trong các quy định về thủ tục tặng cho, chuyển nhượng đất lúa có còn “kẽ hở” nào trong quy định hay không nhằm có giải pháp để bảo đảm quy trình tiếp nhận ngày càng chặt chẽ hơn.
Hơn ai hết, người dân cần tỉnh táo trong vấn đề nhận chuyển nhượng đất lúa, không tin theo lời “cò đất” nếu không muốn rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” do mua đất lúa.
T.P