Siêu thị Co.opMart Tây Ninh đẩy mạnh phương thức bán hàng online trong dịp tết 2023.
Thay đổi thói quen mua sắm tết
2 năm ảnh hưởng dịch Covid- 19, hình thức mua bán online ngày càng được ưa chuộng bởi tính tiện lợi, nhanh chóng. Tết nguyên đán đang cận kề, chợ tết online càng trở nên sôi động, phần lớn người tiêu dùng là giới trẻ và dân công sở.
Sau thời gian dài ở nhà do giãn cách xã hội, chị Võ Như Hạnh (SN 1994, ngụ thị xã Hoà Thành) đã quen với hình thức mua sắm online qua các kênh mua sắm và mạng xã hội. Tết nguyên đán năm nay, do công việc kinh doanh bận rộn và phải chăm con nhỏ nên chị chọn mua sắm online để tiết kiệm thời gian.
“Với sự phát triển của công nghệ, hầu như các sản phẩm tết đều có bán trên các kênh mua sắm và mạng xã hội. Chỉ cần liên hệ người bán, họ sẽ giao đến tận nơi. Ngoài ra, các cửa hàng online còn có dịch vụ cho kiểm tra hàng trước khi nhận. Tôi thấy đây là hình thức mua sắm rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian, nhất là đối với các mẹ “bỉm sữa” như tôi”- chị Hạnh cho biết.
Chị Võ Thuý An (sinh năm 1991, ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh), làm việc tại một công ty viễn thông cho biết: “Cuối năm công việc bận rộn, hay tan ca trễ nên tôi ít có thời gian đi chợ, siêu thị mua sắm tết.
Do đó, cứ rảnh lúc nào tôi lại tranh thủ lướt các nhóm bán hàng mua bánh kẹo, quần áo mới, phụ kiện... để chuẩn bị trang trí cho ngày tết. Chỉ cần lựa chọn sản phẩm, thanh toán tiền qua hình thức chuyển khoản hoặc trả tiền khi nhận hàng, người ta sẽ giao đến tận nhà sau vài giờ, vài ngày tuỳ khoảng cách xa, gần, rất tiện lợi”.
Các đơn vị bán lẻ cũng đã đầu tư, phát triển các nền tảng mua sắm online, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đại diện siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, trong 2 năm bị tác động do dịch Covid-19, siêu thị Co.opMart Tây Ninh đã đầu tư hệ thống bán hàng online. Đến nay, kênh mua sắm online được nhiều khách hàng lựa chọn.
Để kích cầu mua sắm vào dịp cuối năm, siêu thị cập nhật các sản phẩm phục vụ cho dịp tết như giỏ quà tết, các loại bánh kẹo, mứt tết, các sản phẩm dọn dẹp nhà cửa... với nhiều ưu đãi. Siêu thị cũng cam kết giao hàng sau khi nhận đơn từ 2 đến 3 giờ và miễn phí vận chuyển trong khu vực quy định để người tiêu dùng yên tâm đặt hàng.
Thị trường chợ tết online sôi động.
Tăng sức cạnh tranh
Những ngày này, chợ tết online cũng nhộn nhịp không kém. Tất cả các mặt hàng phục vụ mùa tết được đăng bán trên mạng xã hội, từ hoa kiểng, hoa cắt cành, bánh kẹo, đặc sản các vùng miền, bánh chưng, bánh tét, bánh kẹo handmade...
Tuy nhiên, thị trường tết online năm nay có nhiều cạnh tranh và sức mua giảm so với năm trước. Chị Diệp Mỹ Thiện, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, một người bán hàng online 5 năm cho biết, so với năm 2021, sức mua năm nay giảm. Mặc dù nhập hàng từ cuối tháng 11 âm lịch nhưng đến nay đơn đặt hàng bánh kẹo, mứt tết trên trang bán hàng của chị vẫn chưa nhiều.
Theo chị, một phần do tình hình kinh tế có nhiều biến động nên nhiều người tiết kiệm trong việc mua sắm. Mặt khác, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều người dân, đặc biệt là các chị em làm việc văn phòng, nội trợ tranh thủ bán hàng online dịp tết kiếm thêm thu nhập nên hiện tại người bán thì nhiều, người mua lại ít.
“Tết năm nay tôi chỉ nhập hàng cầm chừng, không dự trữ như nhiều năm trước. Tôi hy vọng đến giữa tháng Chạp tình hình mua bán sẽ khả quan hơn”- chị Thiện chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (SN 1989, ngụ huyện Tân Biên) kinh doanh mặt hàng hoa tết online cho biết, năm nay, có rất nhiều người nhập hàng bán tết; đặc biệt là mặt hàng hoa kiểng, hoa cắt cành sức cạnh tranh cao.
“Hiện tại, tôi chỉ nhập một số lượng nhỏ các loại hoa kiểng bán tết như cúc, vạn thọ, sống đời... Còn hoa cắt cành như thanh liễu, tuyết mai, đào... chỉ nhận đặt hàng trước. Đến ngày 23 tháng Chạp tôi sẽ chốt số lượng rồi mới nhập hàng”- chị Giàu nói.
Hiện tại, sức nóng thị trường chợ tết online đang ngày càng tăng. Trước sự phong phú, đa dạng của hàng hoá, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn mua sắm chuẩn bị cho mùa tết, nhất là các sản phẩm thực phẩm bán trên mạng xã hội, sản phẩm handmade (làm tại nhà, làm bằng tay).
Bà Trần Thị Ngọc Nương- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo, để lựa chọn hàng hoá an toàn, người tiêu dùng cần lưu ý: Không lựa chọn sản phẩm có bao bì bị biến dạng, nứt, rách, nhàu; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá (tên sản phẩm, cơ sở sản xuất, địa chỉ cơ sở...), đặc biệt, khi mua hàng hoá online rất khó kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên bao bì, do đó người tiêu dùng cần yêu cầu nhà cung cấp, cửa hàng online cung cấp thông tin và nên chọn mua tại những cửa hàng có uy tín.
Kiểm tra các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, cảnh báo sử dụng. Lưu ý có nhiều sản phẩm thực phẩm có khuyến cáo độ tuổi sử dụng, cần lưu ý để có thể lựa chọn thực phẩm đúng đối tượng sử dụng, tránh xảy ra các sự cố không mong muốn. Kiểm tra kỹ khi nhận hàng, xem bao bì, nhãn mác còn nguyên vẹn, đúng thông tin nhà sản xuất hoặc độ tươi của sản phẩm tươi sống.
Với sản phẩm thực phẩm handmade, theo bà Nương, nhiều sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng vẫn được tiêu thụ hằng ngày. Đa số các mặt hàng thực phẩm được bán trên mạng không đăng ký kinh doanh, nên cơ quan chức năng khó quản lý.
Thậm chí, người dân muốn khiếu nại cũng khó, bởi khi xảy ra vấn đề tiêu cực, các cá nhân, cơ sở ngay lập tức gỡ bỏ mọi thông tin trên mạng, bỏ luôn cả số điện thoại liên lạc. Với hàng hoá là thực phẩm handmade cần có sự cảnh giác để không phải “tiền mất tật mang”.
Ngọc Bích