Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ năm 2009 đến nay, thể hiện ngày càng rõ vai trò chia sẻ khó khăn, tạo giá đỡ an sinh cho người lao động khi bị ảnh hưởng về việc làm, cho người sử dụng lao động khi đơn vị gặp khó khăn. Nổi bật là thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai gói hỗ trợ an sinh từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí hơn 47.000 tỷ đồng. Nguồn lực này góp phần giúp hàng triệu lao động ổn định đời sống, hàng vạn doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn.
Với những người không may bị ảnh hưởng sâu về việc làm, thậm chí mất việc, họ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy) giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp vào tháng 11-2022, chị Hoàng Thị Hải Hà, trú tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Với số tiền trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp khi đi làm, tương ứng với số tiền gần 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống của tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngoài ra, tôi còn được tư vấn giới thiệu việc làm, nên đã nộp hồ sơ ứng tuyển một doanh nghiệp cần tuyển lao động phù hợp với công việc tôi từng làm”.
Thấy rõ tính ưu việt, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp không ngừng gia tăng, từ 6 triệu người trong năm đầu triển khai (năm 2009), tăng lên hơn 14 triệu người vào quý IV năm 2022. Tuy vậy, số người tham gia chính sách này còn thấp so với khoảng 50,5 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm. Vấn đề khác cần quan tâm, đó là quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện tập trung cho việc trợ cấp mất việc làm cho người lao động là chủ yếu, còn các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề sau khi người lao động mất việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp giúp họ có việc làm lâu dài chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho hay, dù các bên tiến hành tư vấn về việc làm cho 100% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng 11 tháng năm 2022, Hà Nội chỉ có gần 1.500 người trong tổng số gần 66.000 người lựa chọn học nghề (bằng hơn 2%).
Đặt trong bối cảnh thị trường lao động còn không ít biến động, số người thất nghiệp, mất việc làm còn nhiều, thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần phát huy rõ vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động, phòng ngừa thất nghiệp. Cụ thể, theo báo cáo về tình hình thị trường lao động 11 tháng năm 2022 của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người thất nghiệp, bằng hơn 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người thiếu việc làm khoảng 1,03 triệu người, bằng hơn 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Người bị ảnh hưởng về việc làm tập trung chủ yếu ở nhóm lao động làm những công việc giản đơn, dễ bị thay thế, nên họ cần được tiếp cận, bảo vệ, trợ giúp hiệu quả từ chính sách bảo hiểm xã hội.
Tạo điều kiện để người lao động có việc làm bền vững, giảm nguy cơ thất nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành chức năng, địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm việc làm cho họ. Ngoài ra, các bên nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ người lao động học tập, nâng cao năng lực nghề nghiệp để tăng cơ hội duy trì việc làm hoặc tìm kiếm việc làm mới. Trên lộ trình này, các cơ quan chức năng đề xuất dùng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề để nâng cao năng lực cho người lao động, nhất là với những lao động trên 35 tuổi. Cùng với đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp cần sử dụng lao động kỹ năng mà lực lượng hiện có chưa đáp ứng được, thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nên hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại kỹ năng cho người lao động…
Nguồn hanoimoi