Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã An Thạnh.
Là xã vùng nông thôn khó khăn của huyện Bến Cầu, An Thạnh có xuất phát điểm thấp và bước đầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã huy động nguồn lực hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; các tiêu chí giáo dục, y tế, văn hoá… đều đạt chuẩn.
Ông Lê Văn Nên- Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết, địa phương là xã thuần nông, đời sống nhân dân còn khó khăn. Khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã chỉ đạt 11/19 tiêu chí, việc huy động sức dân gặp nhiều trở ngại. Trong quá trình xây dựng NTM, An Thạnh vận động được hơn 232 tỷ đồng từ Trung ương, tỉnh, huyện và nhân dân.
Để nâng cao nhận thức người dân về xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã An Thạnh linh hoạt lồng ghép công tác tuyên truyền chương trình vào các hội nghị, hội thảo về mục đích, ý nghĩa, vai trò chủ thể của người dân trong phong trào xây dựng NTM. Các nội dung liên quan đến chương trình đều được địa phương đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, lấy ý kiến đóng góp của người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc thực hiện.
Đặc biệt, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Tuy nhiên, với quyết cao tâm của cả hệ thống chính trị, chủ trương xây dựng NTM được xã triển khai hiệu quả từ tuyên truyền đến thực hiện, kiểm tra, giám sát và được nhân dân đồng lòng hưởng ứng.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.
Tổng diện tích gieo trồng của An Thạnh đạt 3.982 ha, có 134 hộ tham gia mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa, được hỗ trợ mua trên 153 tấn phân bón với giá ổn định. Tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, trong đó, đàn heo trên địa bàn xã đạt 1.318 con, gia cầm có trên 26.320 con.
Ngoài ra, xã An Thạnh tập trung công tác xây dựng hệ thống giao thông, với hơn 30 tuyến đường được đầu tư. Trên địa bàn xã có 1 quỹ tín dụng nhân dân với 629 thành viên, tổng vốn gần 56 tỷ đồng.
Đến nay, xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Xã có 3/3 trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; các tuyến đường trong xã được đầu tư nâng cấp nhựa, bê tông hoặc cứng hoá, bảo đảm người dân đi lại thuận tiện. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85,8%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 59,57 triệu đồng/người/năm.
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương từ khi xây dựng NTM, ông Lê Thành Được, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay, nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư, nâng cấp, việc vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất và đi lại của người dân thuận lợi hơn. Nhiều công trình văn hoá, giáo dục được đầu tư mới, khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con”.
Với phương châm xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Thạnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng NTM, bảo đảm giữ vững và nâng chất các chỉ tiêu đã đạt được; phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường nông thôn; hoàn thiện nhóm các tiêu chí về văn hoá, giáo dục, y tế; hạ tầng kinh tế xã hội.
Minh Dương