Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Hôm nay, Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Thứ năm - 14/11/2024 10:08
Sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án này.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án này.

Sáng nay (13/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo chương trình kỳ họp thứ 8, sáng nay (13/11), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Trong sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Theo nội dung điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trước khi Quốc hội thảo luận, ĐBQH sẽ xem video clip về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam để cung cấp thêm thông tin.

Trước đó, tại cuộc họp chiều tối 6/11 tại Nhà Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đây là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Đây cũng là dự án tác động đến nhiều mặt kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được về nguồn vốn.

So với thực trạng ngân sách như hiện nay, vốn đầu tư dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án, trong đó lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ; đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích rừng phải chuyển đổi, các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu về đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng mà cấp có thẩm quyền đã quyết định; đánh giá tác động của dự án đến môi trường; nghiên cứu thêm về việc bố trí số lượng các ga.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án để có giải pháp phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến; lưu ý việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, việc lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng công nghệ, nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện trong quá trình xây dựng và triển khai, khai thác dự án.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, kể cả về chi phí xây dựng và chi phí vận hành, khai thác. Do đó, để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là tránh rủi ro do không hoàn thành, đưa vào sử dụng do thiếu vốn, rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lại lớn, rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án, tuy nhiên, để đảm bảo khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, đảm bảo được cơ chế phân công phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Lưu ý đến các chính sách, cơ quan thẩm tra đề nghị không nên quy định chỉnh sửa hoặc đánh giá kỹ tác động khi quy định.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện. Tính toán thuyết minh thêm về công nghệ và chuyển giao công nghệ, đảm bảo làm chủ công nghệ đường sắt, làm chủ về nguyên vật liệu. Các điều kiện đảm bảo trong quá trình xây dựng và quá trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng cũng như ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp đường sắt. Làm rõ cơ sở tính toán, dự báo về nhu cầu vận tải của dự án; rà soát, thuyết minh thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính của dự án. Nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo nghị quyết về sự phù hợp ở các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Đường sắt chạy trên ray, đoàn tàu khách sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Đề xuất lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm tàu tốc độ thiết kế 350km/h. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Cơ quan trình đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Nguồn tapchigiaothong

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp