Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2022.
Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin đến các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh về tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm; định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch; phát triển kinh tế trang trại và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh dần được kiểm soát, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối ổn định. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 156.873 ha (bằng 99,8% so với cùng kỳ), số lượng đàn vật nuôi tăng so với cùng kỳ nhất là đàn gia cầm tăng 22,4% (đạt 8,9 triệu con) và đàn heo tăng 10,9% (đạt trên 219 ngàn con).
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin đến các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh về tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 634 trang trại gia súc với tổng đàn 194.716 con và 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con. Tất cả các trang trại đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh...
Du lịch bứt phá
Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch cho biết, từ đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá du lịch Tây Ninh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 du lịch Tây Ninh đã khởi sắc với kết quả ấn tượng, đạt 1.555.523 lượt du khách lưu trú, tăng 48,5% so cùng kỳ, đạt 51,9% so kế hoạch; khách lữ hành đạt 11.500 lượt, tăng 1.269% so cùng kỳ, đạt 41,1% so kế hoạch; khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 3.329.647 lượt, tăng 124% so cùng kỳ, tăng 7,4% so kế hoạch; tổng doanh thu du lịch đạt 880 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ, đạt 64,5% so kế hoạch. Riêng trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Tây Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách tham quan với hơn 800.000 lượt khách.
Bà Huỳnh Thanh Nam – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì buổi họp.
Các dự án đường cao tốc sẽ sớm được triển khai
Ông Nguyễn Thái Bình- Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang được Bộ giao thông vận tải quy hoạch 2 tuyến cao tốc: TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Gò Dầu – Xa Mát. Trong đó, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến khoảng 50km (đoạn đi qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh là 23,7km; đoạn đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3km), tổng mức đầu tư khoảng 15.900 tỷ đồng, được Chính phủ giao cho UBND TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Hiện đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đang được các cơ quan chuyên môn của Thành phố đang tổ chức thẩm định nội bộ trước khi tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh ký trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, dự kiến trong tháng 7.2022.
Tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát nối vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài tại Gò Dầu đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, chiều dài khoảng 65km, quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030. Dự án phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: đầu tư đoạn từ Gò Dầu (giao với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài đến thành phố Tây Ninh, chiều dài khoảng 27,82km, quy mô 4 làn xe. Nguồn vốn ngân sách và kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.
Giai đoạn 2: đầu tư đoạn từ thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, chiều dài khoảng 37,18km, dự kiến đầu tư sau năm 2030.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà đang được Bộ giao thông vận tải tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tiêu chuẩn đường cấp III, tổng mức đầu tư khoảng 3.482 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn đầu tư công, dự kiến khởi công cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, hoàn thành trong năm 2025. Đường tuần tra biên giới qua tỉnh Tây Ninh các đoạn còn lại, có tổng chiều dài 35km do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đang lập dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Dự kiến dự án khởi công cuối năm 2022.
Giai đoạn 2021-2025, có 15 dự án giao thông của tỉnh được quy hoạch đầu tư, với tổng kinh phí dự kiến 5.223 tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Kiệt- Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thông tin về tình hình thu hút đầu tư hai khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát.
Ông Trương Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch thông tin về phát triển du lịch của tỉnh 6 tháng đầu năm.
Du lịch và Giao thông được báo chí quan tâm
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: về định hướng phát triến du lịch nông thôn thôn của tỉnh và vấn đề phát triển hệ thống giao thông kế nối vùng để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Về vấn đề định hướng phát triến du lịch nông thôn thôn của tỉnh trong thời gian tới, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch cho biết, Tây Ninh có nguồn dư địa để phát triển loại hình du lịch trãi nghiệm nông thôn, trong đó, có việc triển khai tuyến du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông. Sở đã kết hợp với các địa phương có tuyến sông đi qua để khảo sát thực tế. Tuy nhiên, việc triển khai loại hình du lịch này tại Tây Ninh hiện chưa thể thực hiện do còn thiếu về cơ sở hạ tầng.
Trả lời câu hỏi về vấn đề phát triển hệ thống giao thông kế nối vùng để phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Thái bình- Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường kết nối với các tỉnh trong vùng như: Tuyến đường Đất Sét – Bến Củi, có chiều dài khoảng 12,7km với quy mô đường 4 làn xe, cầu 6 làn xe kết nối Tây Ninh với tỉnh Bình Dương. Dự án đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn có điểm đầu tại ngã 3 Kà Tum, điểm cuối giáp đường vào cầu Sài Gòn 1, tổng chiều dài tuyến là 33,238km, tổng mức đầu tư là 1.028,790 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp 2, mặt đường bằng bê tông xi măng 4 làn xe rộng 16,5m kết nối các huyện Tân Châu, Tân Biên của Tây Ninh với tỉnh Bình Phước.
Ông Nguyễn Thái Bình – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin về các tuyến đường cao tốc được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu UBND tỉnh phối hợp với tỉnh Long An thực hiện dự án xây cầu Lộc Giang nối các xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng và tỉnh Long An.
Kết luận buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Thanh Nam cảm ơn các cơ quan báo chí và các nhà báo trong thời gian qua đã luôn đồng hành cùng Tây Ninh trong công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đối với những vấn đề nhà báo quan tâm, bà Huỳnh Thanh Nam đề nghị các nhà báo, phóng viên có thể gửi bằng văn bản hoặc liên hệ trực tiếp với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh để được thông tin, trả lời.
Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sắp được hoàn thành giai đoạn 1. (ảnh minh họa chụp ngày 3.4.2020).
Minh Dương