Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Ngày 19.10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan- Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp.
Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò, vị trí, sức mạnh của HTX trong nông nghiệp nông thôn và cho rằng các địa phương cần quan tâm chăm lo hoạt động của tổ hợp tác, HTX vượt qua khó khăn, phát triển bền vững; trong đó cần chú trọng tư duy hợp tác, vì tư duy hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh cho HTX; làm sao khi người nông dân muốn nuôi con gì, cây gì sẽ biết hợp tác nhau để giảm chi phí, thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, HTX là thành phần của kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 đặt nền tảng là phát triển khu vực kinh tế nông thôn, người dân biết hợp tác với nhau để làm kinh tế, làm nền tảng cơ cấu lại nền nông nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Hội nghị này sẽ đặt cột mốc mới cho HTX, tránh hình thức, qua loa, phải nhìn sâu hơn để thấy nhiều hơn giá trị của HTX, không thể chậm trễ hơn nữa trong quan tâm, phát triển HTX nông nghiệp thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong suốt 20 năm vừa qua, KTTT, HTX đã có những tiến bộ cả về lượng và chất, thu nhập của người nông dân tăng lên, đóng góp chung cho thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đến năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, nhiều THT hoạt động hiệu quả phát triển lên thành các HTX. Các THT đã phát huy được tinh thần tương trợ trong sản xuất, đời sống, giúp tăng thu nhập cho hộ thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Thời gian qua, khu vực KTTT, HTX nông nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển. Ước tính đến 31.12.2021, cả nước có khoảng 18.327 HTX nông nghiệp. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, số lượng HTX nông nghiệp tăng lên 12.569 HTX.
Các hoạt động dịch vụ của HTX làm tăng thu nhập trung bình của hộ thành viên là 20%, qua đó khẳng định được vị trí, vai trò của HTX trong chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số trên 5.000 sản phẩm OCOP cả nước, có 39% sản phẩm thuộc về các tổ hợp tác, HTX.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, các tầng lớp nhân dân nhận thấy vai trò, ý nghĩa của phát triển KTTT, HTX nông nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đòi hỏi hàng hoá chất lượng tốt, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng, có bao bì, nhãn mác, mã QR... người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã nhận thức được giá trị của liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản...
Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2012, chính thức có hiệu lực từ 1.7.2013, quy định rõ bản chất của tổ chức HTX, tạo ra khung pháp luật, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX. Sau gần 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012, phong trào phát triển HTX nông nghiệp có những chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng, thể hiện rõ nét hơn vai trò quan trọng của HTX nông nghịệp trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giai đoạn 2013 đến nay, Luật HTX 2012 tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, giải thể các HTX yếu kém. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2020, Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp, liên hiệp HTX được triển khai hiệu quả, số lượng HTX nông nghiệp mới tăng lên, việc áp dụng công nghệ cao ngày càng nhiều; HTX hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, liên kết với siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.
Từ việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012 trong ngành nông nghiệp đã làm chuyển đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tính cấp thiết của việc phát triển HTX trong nông nghiệp, mô hình HTX kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong tình hình mới và đứng trước những yêu cầu của thực tiễn phát triển- nhất là giai đoạn từ 2016 đến nay, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai Nghị quyết và luật một cách sáng tạo, hiệu quả. Theo đó, Bộ xác định KTTT, HTX là công cụ, trụ cột để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Dành sự quan tâm và ưu tiên nhất định cho việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập: quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW còn chậm, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương còn lúng túng, thiếu các biện pháp, giải pháp cụ thể, thậm chí chưa quan tâm đến KTTT, HTX.
Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu tính bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé.
Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân chưa nhiều, chỉ đạt khoảng 24% tổng số HTX.
Để nhanh chóng khắc phục yếu kém, phát triển nhanh khu vực KTTT, HTX nông nghiệp, Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp chính: đẩy mạnh đào tạo, thu hút cán bộ trẻ, quan tâm đào tạo về làm việc cho HTX; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất ở các HTX; gắn phát triển THT, HTX nông nghiệp với phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Các thành viên trong HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) trao đổi quy trình trồng xoài (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)
Hiện nay, Bộ đã và đang bổ sung những giải pháp mới như: đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản; quan tâm đầu tư hạ tầng- nhất là hạ tầng kết nối và thương mại, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản của HTX; thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao năng lực của HTX thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển các cụm ngành, vùng nguyên liệu có liên kết và quản trị chất lượng cao; thí điểm khuyến nông cộng đồng; quan tâm đến chương trình đào tạo giám đốc HTX; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xây dựng các mô hình HTX theo ngành hàng có quy mô thành viên lớn.
Đối với mô hình HTX trong nông nghiệp, Bộ yêu cầu phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tính đặc thù, điều kiện của địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của hộ nông dân; không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn; tập trung làm các dịch vụ đầu vào, nhưng quan trọng là phải thực hiện được dịch vụ đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên.
Ưu tiên phát triển các HTX quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông minh; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xây dựng nghị quyết về phát triển HTX nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho sự phát triển HTX nông nghiệp; bố trí nguồn ngân sách riêng để hỗ trợ HTX nông nghiệp, nhất là hỗ trợ về hạ tầng, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh của HTX.
Nhi Trần