Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại một hộ kinh doanh mỹ phẩm (ảnh minh hoạ)
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính
Thời gian qua, các doanh nghiệp rất bức xúc về vấn đề hàng giả, hàng nhái buôn bán tràn lan trên thị trường, kể cả các sàn thương mại điện tử (TMĐT) uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ “giết chết” các doanh nghiệp chân chính và cả nền sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng hoá đang phải chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Chưa kể, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết, Tây Ninh không phải địa bàn trọng điểm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhưng tình hình buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh tuy không có những cơ sở sản xuất lớn, nhưng việc tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng được sản xuất ở các địa phương khác hoặc nhập lậu vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, một số sản phẩm hàng hoá được sản xuất từ các làng nghề, hộ gia đình bằng phương pháp thủ công, truyền thống, không theo quy trình chuẩn nên sản phẩm làm ra vô tình trở thành hàng không rõ nguồn gốc.
Ông Long cho biết, xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực làm mất uy tín của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng với sản phẩm của các doanh nghiệp. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.
Một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn thị xã Hoà Thành cho biết, doanh nghiệp đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm may mặc và sản phẩm của doanh nghiệp đang được thị trường ưa chuộng. Thời gian qua có nhiều cơ sở may mặc trên địa bàn tỉnh đã sản xuất nhái sản phẩm và lấy tên nhãn hiệu của doanh nghiệp; sản phẩm nhái này được bán với giá rất rẻ nhưng chất lượng sản phẩm không đạt, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp.
Vấn đề này đã được lực lượng Quản lý thị trường thị xã Hoà Thành kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nhưng tình trạng vẫn còn tiếp diễn, vì vậy, doanh nghiệp rất mong cơ quan chức năng có chế tài mạnh hơn, bảo đảm tính răn đe để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích mua sắm hàng giá rẻ mà không xem xét kỹ chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này làm hàng giả, hàng nhái có cơ hội nở rộ và hoành hành, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý”- doanh nghiệp may mặc cho biết.
Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi gian dối, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh, các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa các quy định và tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Song song đó, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nhận diện hàng thật, giả; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, cách truy xuất nguồn gốc hàng hoá; nên mua hàng ở những trang thương mại điện tử chính thức, uy tín.
Tăng chế tài xử phạt vi phạm
Theo Hội Doanh nhân trẻ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên thị trường ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đặc biệt là làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất kinh doanh chân chính.
Để khắc phục tình trạng này, Hội Doanh nhân đề xuất ngoài các biện pháp mạnh tay với các trường hợp sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái thì các hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp cần được tài trợ kinh phí, khuyến khích ủng hộ, qua đó giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với đối tác, khách hàng, có thông tin về sản phẩm rõ ràng minh bạch.
Các hoạt động xúc tiến thương mại mạnh mẽ sẽ phần nào giúp định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp chia sẻ nhiều hơn các thông tin, đặc tính sản phẩm, đặc điểm phân biệt sản phẩm… của doanh nghiệp mình cho đối tác và người tiêu dùng.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần nhân rộng việc tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở nhiều địa phương với cấp độ khác nhau để người tiêu dùng có thể kiểm chứng sản phẩm của các doanh nghiệp một cách tốt nhất. Sự tham gia tích cực từ các hiệp hội ngành nghề sẽ góp sức sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn gian dối ra khỏi các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Để ngăn chặn triệt để hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngoài thị trường, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tập trung công tác quản lý địa bàn, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về các điều kiện trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm; kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại, đường cát nhập lậu và các nhóm mặt hàng khác như: xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; rượu; thực phẩm; mỹ phẩm; quần áo; thương mại điện tử…; kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Cục Quản lý thị trường khuyến cáo người dân ý thức hơn khi lựa chọn hàng hoá để không mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường đề xuất các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn về cách nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không bảo đảm chất lượng. Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không bảo đảm chất lượng.
Nhi Trần