Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Mở hướng phát triển dịch vụ du lịch kết nối cộng đồng - Báo Tây Ninh Online

Chủ nhật - 22/05/2022 04:17
BTN - Thị xã Bảng Bàng là địa phương có nhiều tiềm năng để mời gọi đầu tư, phát triển thương mại và du lịch. Đặc sản bánh tráng phơi sương rất nổi tiếng, với lễ hội bánh tráng phơi sương được tổ chức 2 năm/lần đã tạo dấu ấn cho du khách khi đến Tây Ninh.


Trung tâm thị xã Trảng Bàng nhìn từ trên cao

Nhiều tiềm năng

Theo ông Trần Anh Minh- Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, ngoài những lợi thế sẵn có, Trảng Bàng còn có nguồn nhân lực dồi dào, chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có phát triển các khu công nghiệp lớn, thu hút hàng ngàn người lao động đến với các khu công nghiệp tại thị xã Trảng Bàng.

Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch, được tổ chức ngày 19.5.2022, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các phòng, ban và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng Trần Anh Minh nhấn mạnh, để phát triển hoạt động du lịch của Trảng Bàng, trong năm 2022, địa phương tập trung vào mục tiêu giữ gìn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, tạo cầu nối để các nhà sản xuất, doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn... trong và ngoài tỉnh mở rộng quan hệ giao thương, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường hợp tác với các vùng lân cận. Đồng thời tận dụng, phát huy những tiềm năng vốn có về thiên nhiên, sinh thái để phát triển mạnh ngành du lịch sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường, văn hoá cộng đồng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Phát triển sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng, giữ gìn các làng nghề truyền thống. “Hệ thống giao thông trên địa bàn Thị xã đạt tiêu chuẩn tốt, có 7/10 xã, phường đạt chuẩn nông thôn mới, đường giao thông được làm mới, nâng cấp và sửa chữa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hai năm vừa qua (năm 2020-2021), do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động du lịch phải tạm dừng. Tuy nhiên, hoạt động du lịch đang dần trở lại và phát triển ổn định”- ông Minh nói.

Cổng chào Suối Sâu, cửa ngõ giao thương giữa thị xã Trảng Bàng- Tây Ninh với các tỉnh miền Đông Nam bộ

 

Ông Minh cho biết thêm, năm 2022, Trảng Bàng đang xúc tiến du lịch trên địa bàn, định hình mô hình phát triển với các nét văn hoá, lợi thế đặc trưng tại các điểm du lịch trọng điểm. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Thị xã hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác. Hiện tại, các di tích như: di tích Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại Rừng Rong, Địa đạo An Thới, nhà truyền thống Thị xã, đình Gia Lộc, miếu Ông Tà, chùa Phước Lưu... luôn được chăm sóc tốt. Hệ thống hạ tầng viễn thông, thanh toán điện tử tự động, trạm cung cấp thông tin thông minh... tại các khách sạn, quán ăn trên địa bàn Thị xã luôn đạt chuẩn. Địa phương không ngừng kết nối các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đón các đoàn khách tham quan, quảng bá các chương trình xúc tiến du lịch trên mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử; tổ chức phục vụ khách du lịch trải nghiệm các làng nghề làm bánh tráng phơi sương, gói bánh ú lá tre, hái rau rừng... Đồng thời, phát triển sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng tại phường An Hoà, giữ gìn nghề mây tre đan, nghề chằm nón lá truyền thống... phục vụ nhu cầu du lịch.

Phát triển các dự án du lịch, mời gọi đầu tư

Đánh giá những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch của Thị xã đến năm 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng Trần Anh Minh nhìn nhận: “Việc cần phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo là phải xây dựng điểm tham quan làng nghề làm bánh tráng phơi sương để phục vụ du khách. Tuy nhiên, mức độ hướng dẫn khách trải nghiệm nghề truyền thống hiện tại chỉ được thực nghiệm tại nhà riêng người làm nghề; nghệ nhân đã lớn tuổi, hoạt động làm nghề chỉ còn 9 nghệ nhân, tập trung ở khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng; chưa có liên kết xây dựng điểm trải nghiệm hái rau rừng khi khách đến tham quan làng nghề làm bánh tráng”.

Nghề làm bánh tráng truyền thống ở Trảng Bàng luôn được giữ gìn, bảo tồn, phát triển\

Mặt khác, điểm dừng chân phục vụ du khách trên địa bàn Thị xã có một đơn vị là Tiến Ngọc Chương (phường Gia Bình), nhưng cơ sở vật chất chưa đầy đủ để phục vụ nhu cầu du lịch của khách hàng. Sản phẩm du lịch nông thôn (farmstay) có La’Farmstay tại xã Hưng Thuận đang phục vụ khách trải nghiệm du lịch làm vườn, nhưng quy mô nhỏ; chưa kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng du lịch đường sông và các dịch vụ khác, đặc biệt là đờn ca tài tử phục vụ du khách. Bên cạnh đó, những đặc sản tiêu biểu của thị xã Trảng Bàng từ nông nghiệp đến sản xuất công nghiệp chưa có không gian để trưng bày giới thiệu; trang thông tin điện tử chuyên về du lịch của địa phương chưa được cập nhật thường xuyên. Chưa kết hợp được di tích lịch sử với dịch vụ khác để phát huy sức mạnh kết nối thành điểm tham quan di tích lịch sử và du lịch. Quy hoạch diện tích đất cho khu vui chơi, giải trí nhưng chưa đi vào xây dựng như Khu du lịch sinh thái Happy Land ở khu phố Lộc Châu, phường Lộc Hưng... 

Nhiều doanh nghiệp đưa ra đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ quỹ đất, đơn giản hoá thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần tạo cơ chế thoáng trong các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch của doanh nghiệp, tạo kết nối nhằm hỗ trợ nhau phát triển.

Chèo thuyền SUP- một trong những sản phẩm du lịch nông thôn tại La’Farmstay (xã Hưng Thuận), nhưng quy mô nhỏ, chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Theo ông Trần Anh Minh, trên địa bàn Trảng Bàng có sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn có thể phát triển du lịch sinh thái đường sông, kết hợp với các sản phẩm định danh như bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng... xây dựng sản phẩm du lịch city tour, kết hợp với du lịch ẩm thực, nghỉ dưỡng. Trong đó, chú trọng triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch thị xã Trảng Bàng - Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao, phát huy tinh thần chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong việc tham gia phát triển du lịch thị xã Trảng Bàng. Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và thị xã Trảng Bàng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp dịch vụ, du lịch trên địa bàn. UBND Thị xã sẽ chỉ đạo các phòng, ban hỗ trợ doanh nghiệp một cách linh hoạt, tạo thuận lợi nhất, đồng thời chia sẻ những khó khăn, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”.

Giai đoạn 2021-2025, thị xã Trảng Bàng có 7 dự án du lịch mời gọi đầu tư, gồm: Dự án phát triển loại hình du lịch cộng đồng nghề làm bánh tráng phơi sương (tại phường Gia Lộc, phường Trảng Bàng); Dự án du lịch gắn với thiên nhiên (du lịch miệt vườn, thăm đồng lúa, hái trái cây...): Du lịch sinh thái thăm vườn thơm kết hợp tháp cổ Bình Thạnh tại xã Phước Bình (quy mô 100 ha); Khu du lịch sinh thái ven sông Vàm Cỏ Đông tại xã Phước Chỉ (quy mô 45 ha); Dự án Bờ kè kết hợp du lịch sinh thái ven sông Vàm Cỏ Đông tại phường An Hoà (quy mô 10 ha khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông); Khu du lịch sinh thái kênh T6 (quy mô 100 ha); Dự án phát triển khu chợ cũ Trảng Bàng tại phường Trảng Bàng và Dự án đô thị dịch vụ kết hợp du lịch sinh thái tại xã Phước Bình (dự kiến xây dựng 3,5 ha, ven sông Vàm Cỏ Đông).

Tâm Giang

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp