Khách hàng giao dịch tại máy rút tiền tự động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam
Từ năm 2012, Co-opBank bắt đầu triển khai Ngân hàng điện tử (CF-eBank), giúp người dân thuận tiện giao thương, mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chi trả cho con cái học hành. Với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, CF-eBank không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc tiện chi trả các nhu cầu, dịch vụ đời sống mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại; tránh được những rủi ro, nguy hiểm khi trên đường mang tiền mặt ra trung tâm huyện, tỉnh để thực hiện thanh toán, chuyển tiền.
Tính đến ngày 30.6.2021, CF-eBank đã có mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc với 676 điểm giao dịch (bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 578 Quỹ TDND tham gia liên kết). Giao dịch chuyển tiền CF-eBank đạt 407.580 món với doanh số 161.861 tỷ đồng, trong đó doanh số chuyển tiền của các quỹ TDND thành viên đạt 11.836 tỷ đồng với 114.398 món.
Thời gian tới Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ triển khai thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới hiện đại như: Mobile Banking, ví điện tử, QR Pay…
Từ năm 2018, Co-opBank triển khai sản phẩm thẻ thanh toán nội địa tới các Quỹ TDND. Kết hợp với dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank, Quỹ TDND trở thành một điểm giao dịch an toàn.
Sau khi triển khai sản phẩm thấu chi đến các khách hàng cá nhân, năm 2019, Co-opBank bắt đầu triển khai sản phẩm thấu chi dành cho cán bộ, nhân viên và thành viên của Quỹ TDND nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu đột xuất của khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Từ mua hàng thiết yếu trong gia đình, chuyển tiền học cho con hay thanh toán phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày… là những tiện ích thiết thực mà thẻ thấu chi mang lại.
Hiện Co-opBank đã xây dựng hệ thống Khởi tạo và Quản lý khoản vay từ xa để giải quyết thủ tục cho vay thấu chi trên thẻ thanh toán nội địa. Theo đó, từ giai đoạn khách hàng đề nghị vay thấu chi đến quá trình thẩm định, phê duyệt, thời gian cho vay sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn khi các giấy tờ vay vốn được số hóa. Ngoài ra, Quỹ TDND có thể kiểm soát tiến độ hồ sơ khoản vay thấu chi của các khách hàng tại địa bàn, theo dõi biết trước được hồ sơ của khách hàng nào đã được giải ngân.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)
Những kết quả đã thu được từ việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính toàn diện hỗ trợ hệ thống Quỹ TDND và người dân ở khu vực nông thôn sẽ là tiền đề, động lực để Co-opBank tiếp tục đầu tư, nghiên cứu và triển khai thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới hiện đại như: Mobile Banking, ví điện tử, QR Pay… nhằm phát huy tốt vai trò đầu mối, là trụ đỡ vững chắc cho hệ thống Quỹ TDND hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là Quỹ tín dụng Trung ương, được thành lập ngày 5.8.1995, đến năm 2013 chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 4.6.2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là “Ngân hàng” của tất cả các Quỹ TDND, thành lập theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, điều hòa vốn, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước giám sát các Quỹ TDND. Ngoài ra Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Tại Tây Ninh, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Chi nhánh Tây Ninh, địa chỉ tại số 569, đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 6, phường 3, thành phố Tây Ninh. Ngân hàng tập trung hỗ trợ 18 Quỹ TDND. Đồng thời, Chi nhánh cũng thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
PV