Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; các tỉnh, thành phố trên cả nước; các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và thương vụ của Việt Nam tại các nước tham gia Hiệp định RCEP.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Hiệp định RCEP là Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới được 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết ngày 15.11.2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022.
Theo cam kết của Hiệp định RCEP, để mở cửa thị trường hàng hóa, Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 90,3% số dòng thuế cho các nước ASEAN; 89,6% số dòng thuế cho Australia và New Zealand; 86,7% cho Nhật Bản và Hàn Quốc và 85,6% cho Trung Quốc.
Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế.
Các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7% - 98,3% số dòng thuế.
Tại Việt Nam, ngày 4.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoach thực hiện Hiệp định RCEP, giao Bộ Công thương chủ trì triển khai thực hiện, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả các cơ hội do Hiệp định RCEP đem lại, nhằm thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay nước ta đã ký kết và thực thi 17 FTA, là một trong những nước ASEAN đi đầu trong ký kết hợp tác đa phương và song phương, trong đó gần đây nhất là ký kết Hiệp định RCEP.
Hiệp định được ký kết với kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam, đồng thời mở ra không gian sản xuất chung và một siêu thị thường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khu vực. Đây sẽ là thời cơ cũng là thách thức cho các ngành hàng Việt Nam tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian qua, xuất khẩu nông sản nước ta không ngừng tăng trưởng, đưa Việt Nam vào top 15 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Với việc tham gia Hiệp định RCEP đã tạo ra nhiều cơ hội và đầu tư đến với nông nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp được dự báo sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm có lợi thế như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, khi RCEP có quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa giúp cho các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi của các đối tác.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với người sản xuất, RCEP đem đến cơ hội nhập khẩu nguyên liệu bảo đảm đa dạng về nguồn cung ứng, chất lượng với giá thành rẻ như máy móc thiết bị, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào khu vực và toàn cầu bởi những cam kết mạnh mẽ hơn về đầu tư và dịch vụ.
RCEP được nhận định sẽ góp phần tăng nguồn lực của FDI vào Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sức cạnh tranh của RCEP rất lớn, doanh nghiệp và người sản xuất muốn tồn tại, cạnh tranh và phát triển phải nhanh chóng hoàn thiện không ngừng nâng cao sản xuất, chất lượng và vị thế của mình trên thị trường.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về Hiệp định RCEP và thảo luận việc tận dụng Hiệp định để thúc đẩy thương mại và lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực RCEP.
Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra lễ ký kết bàn giao Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR) giữa lãnh đạo Bộ Công thương và đại diện Chính phủ Vương quốc Anh. Cổng thông tin này đã được ra mắt vào cuối tháng 3 năm nay, là cổng trực tuyến, miễn phí cung cấp các thông tin cập nhật bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh nhằm minh bạch hóa các chính sách, tạo thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Các cam kết chính của Hiệp định RCEP:
Một số mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, gồm có:
Hàng thủy sản, thịt, rau quả, nông sản;
Một số loại máy móc, trang thiết bị cơ khí;
Dụng cụ phụ tùng: máy móc, máy vi tính, thiết bị và linh kiện điện tử;
Một số nhóm hàng giày, dép và bộ phận, phụ kiện của giày, dép;
Nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo; hóa chất.
ảnh 8770, 8780: các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
C.T