BTNO - Đến vụ thu hoạch, việc vận chuyển lúa xuống ghe hoặc lên xe tải chủ yếu do thuê lao động thủ công thực hiện. Tuy nhiên, công việc này rất vất vả, nặng nề, năng suất lao động lại không cao. Nhận thấy điều này, ông Huỳnh Văn Tiếp, ngụ ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu) đã có ý tưởng chế tạo băng tải vận chuyển lúa.
Nhân công phơi lúa tại bãi phơi.
Ông Tiếp nghiên cứu cơ chế hoạt động của thiết bị, mất cả tháng mày mò, nghiên cứu, tham khảo thêm cơ chế vận hành của băng tải vận chuyển hàng hoá khác, ông mới bắt tay vào thực hiện, sau khoảng 10 ngày thì hoàn thành sản phẩm.
Từ khoảng năm 2020 đến nay, ông đã chế tạo được 3 băng tải vận chuyển lúa. “Cái đầu tiên làm hơi cực nên mất thời gian hơn một chút, những cái sau đã có kinh nghiệm, sản phẩm cũng được hoàn thiện tốt hơn”- ông Tiếp nói.
Cấu trúc hệ thống băng tải chuyền lúa của ông Tiếp gồm 3 đoạn, tổng chiều dài 15m, được lắp ráp gọn gàng. Hai đầu băng tải được thiết kế có thể di chuyển lên, xuống thông qua thiết bị điều khiển. Băng tải vận chuyển lúa có đặc điểm là khả năng vận chuyển lớn, cấu trúc đơn giản, bảo trì thuận tiện.
Trước đây, cần 8 nhân công để vác lúa từ xe xuống ghe. Hiện nay, chỉ cần 4 người (giảm một nửa công lao động), công việc lại nhẹ hơn trước rất nhiều: 2 nhân công ở trên xe đặt bao lúa lên băng tải nối tới ghe, tại ghe có 2 người tiếp nhận và xử lý.
Ông Tiếp chia sẻ, ông thuê bãi đất trống với diện tích khoảng 5 công để làm bãi phơi lúa, đây cũng là nơi thương lái thu mua lúa về tập kết, sau đó, vận chuyển bằng ghe hoặc xe tải về miền Tây. Ông Tiếp phụ trách việc trông coi, thuê nhân công vận chuyển lúa cho thương lái.
Ông Tiếp bên băng tải chuyền lúa.
Tại bãi tập kết, ông Tiếp bố trí 2 băng tải chuyền lúa. Việc đưa thiết bị vào hoạt động đã giúp nâng cao hiệu suất công việc, giải phóng sức lao động. Trước đây mỗi ngày công nhân vác từ 30 - 50 tấn lúa, nay sử dụng băng chuyền tăng lên 100 tấn/ngày.
Theo ông Lê Minh Trọng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, ông Tiếp là nông dân quê ở miền Tây, những năm 1990, ông về Tây Ninh lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ làm ăn, siêng năng lao động và được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện, thu nhập ổn định.
Băng tải chuyền lúa.
Bản thân ông Tiếp cũng là người có những ý tưởng hay trong lao động sản xuất. “Chế tạo băng tải chuyền lúa là ý tưởng và tư duy rất hay của người nông dân trong việc chế tạo máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, qua đó, tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí”, ông Trọng chia sẻ.