Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) - Trong quá trình hoạt động khai thác, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt và khẩn trương liên hệ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục còn thiếu sót để được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho hoạt động trở lại.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát xây dựng trong hồ Dầu Tiếng nói riêng đã được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo nghiêm túc, nhất là việc đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, đưa công tác quản lý, khai thác khoáng sản cát dần đi vào nề nếp.
Doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt quy định trong quá trình hoạt động
Năm 2024, UBND tỉnh cấp 57 giấy phép hoạt động khoáng sản gồm: 2 giấy phép khai thác khoáng sản; 1 giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; điều chỉnh 24 giấy phép khai thác khoáng sản; 7 giấy phép thăm dò khoáng sản; 9 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; phê duyệt 8 đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; 6 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.
Một mỏ khai thác đất san lấp trên địa bàn huyện Tân Biên (Ảnh minh hoạ)
Trong năm 2024, UBND tỉnh điều chỉnh 12 giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng, trong đó: sông Vàm Cỏ Đông có 1 giấy phép và khu vực lòng hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 13 giấy phép.
Trong quá trình hoạt động khai thác, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt và khẩn trương liên hệ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục còn thiếu sót để được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho hoạt động trở lại. Các đơn vị hoạt động khai thác được cấp bến thuỷ nội địa theo quy định; phương tiện khai thác được gắn logo, định vị hành trình và đúng theo công suất thẩm định của Sở Công Thương.
Các doanh nghiệp cũng đã lắp đặt camera, trạm cân, lưu truyền dữ liệu từ trạm cân vào máy tính và được cơ quan chức năng tiến hành đăng kiểm đưa vào hoạt động; đã xây dựng ao lắng: Đã có thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo quy định; hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định; được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong công trình thuỷ lợi theo quy định, phương tiện khai thác không có trong kế hoạch tỉnh Tây Ninh phải di dời ra khỏi hồ, mỗi giấy phép chỉ 1 bến bãi.
Trong công tác phối hợp, trên cơ sở Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TP HCM-BRVT-ĐN-BD- LA-TG-BP-LĐ ngày 6.1/2017 giữa UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng về việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường các vùng giáp ranh; Quy chế phối hợp số 1416/QCPH-TN-BD ngày 25.5.2012 giữa UBND hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương về kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng đoạn giáp ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, các tỉnh tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra hành vi khai thác cát lậu bao gồm: truy bắt ghe, xử lý vi phạm, cung cấp thông tin, báo cáo tình hình sau xử lý. Kết quả xử lý vi phạm: xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cá nhân, 12 tổ chức, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
Tăng cường xử lý các sai phạm
Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành phê duyệt 8 đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; 6 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản. UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức khai thác khoáng sản phải thực hiện các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường trong suốt quá trình khai thác từ khi bắt đầu đến khi kết thúc khai thác như: lắp dựng hàng rào, trồng cây xung quanh mỏ, đắp đê bao quanh mỏ, dựng biển báo nguy hiểm, duy tu sửa chữa đường vận chuyển, tưới đường giảm bụi khi vận chuyển, lắp đặt cống thoát nước đã được các đơn vị hoạt động khoảng sản nghiêm túc thực hiện. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không chấp hành việc cải tạo phục hồi môi trường, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố không xem xét giải quyết đối với các quyền lợi liên quan đối với tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Khai thác khoảng sán trên địa bàn huyện Tân Biên (Ảnh minh hoạ)
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác cát trên địa bàn, xử lý nghiêm các sai phạm, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các tỉnh tại khu vực giáp ranh, các ngành, địa phương có liên quan trong quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên rà soát lại công suất các tàu ghe khai thác; bến bãi bảo đảm đúng theo quy định; thiết kế các hồ lắng cát theo quy định bảo đảm giảm ô nhiễm làm đục nguồn nước tại bến bãi; tàu khai thác phải gắn camera hành trình; chỉ cho phép hoạt động khai thác cát trở lại đối với những doanh nghiệp có đầy đủ thủ tục pháp lý và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoảng sản đã hết hiệu lực theo quy định.
Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản.
Phục hồi môi trường sau khai thác
Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản được lãnh đạo các cấp chú trọng, quan tâm thực hiện. Đối với việc khai thác cát xây dựng, đất san lấp: Việc khai thác cát xây dựng, tỉnh yêu cầu chủ giấy phép giải toả bến bãi, phục hồi cảnh quan môi trường, sửa chữa đường vận chuyển, che phủ vải bạt.
Đối với khai thác đất san lấp, nếu địa hình dương thì yêu cầu trồng cây, phục hồi cảnh quan tiếp tục sản xuất nông nghiệp, nếu địa hình âm thì yêu cầu lập hàng rào bảo vệ khai thác, đào đắp taluy cải tạo thành ao nuôi trồng thuỷ sản hoặc hồ chứa nước.
Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được sử dụng hạ tầng, kỹ thuật trong hoạt động khai thác khoáng sản và yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thực hiện bảo đảm các quy định, cam kết về bảo vệ môi trường; tiến hành trồng cây xanh xung quanh bờ mỏ và dọc hai bên đường vận chuyển ngoài mỏ; thực hiện công tác giám sát môi trường; quy định tốc độ an toàn cho phương tiện vận chuyển vật liệu khi đi qua khu dân cư, xe chạy từ mỏ ra đường liên xã phải giảm tốc độ 30 km/giờ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, tham gia đóng góp vào các chương trình phúc lợi xã hội tại địa phương; bố trí biển cảnh báo giảm tốc độ tại các giao lộ giữa đường ra vào mỏ với đường bên ngoài; phối hợp với chính quyền địa phương san gạt, lấp đầy hố voi nếu đường vận chuyển ngoài xuống cấp, hư hỏng.
Nhi Trần