Bò mắc bệnh viêm da nổi cục được cách ly để điều trị.
Tại Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, bệnh trên thuỷ sản chưa xảy ra, nhưng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở tỉnh vào ngày 7.7.2021, đến nay, lây lan rộng tại 9 huyện, thị xã, thành phố, với 6.700 con bò mắc bệnh, trong đó có hơn 1.000 con bị chết, buộc tiêu huỷ. Ngoài ra, còn xảy ra 1 trường hợp bệnh dại trên chó tại thành phố Tây Ninh.
Nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện tổng đàn vật nuôi trong tỉnh rất lớn, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá bán xuống thấp, nhất là giá gà công nghiệp bình quân chỉ 10.000 đồng/kg; có khoảng 660.000 con gà công nghiệp đã đến lứa nhưng chưa xuất bán được.
Tình hình sản xuất, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vaccine thú y, hoá chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; công tác quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, sát trùng, tiêu độc bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.
Ðể bảo đảm kiểm soát, khống chế dịch bệnh động vật, ổn định sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp; theo Công văn số 5349/BNN-TY ngày 23.8.2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngày 17.9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3193 về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Sở Tài chính mua sắm, cung ứng các loại vaccine, hoá chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Ðối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, trong trường hợp cơ quan thú y không thể đến cơ sở chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm bệnh động vật, có thể áp dụng công nghệ hình ảnh để kiểm tra triệu chứng lâm sàng điển hình của động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; hướng dẫn từ xa để thú y cơ sở hoặc chủ vật nuôi tự thực hiện việc lấy mẫu và gửi phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh; trường hợp không thể gửi mẫu đến phòng xét nghiệm, căn cứ triệu chứng, bệnh tích điển hình để quyết định áp dụng, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các huyện, thị xã, thành phố còn thực hiện giãn cách, vì vậy, công tác kiểm tra, đánh giá trực tiếp tại cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không bảo đảm về thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Trong trường hợp này, các cơ quan thú y tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra, đánh giá trực tuyến qua hình ảnh; hướng dẫn, giám sát việc tự lấy mẫu, niêm phong của cơ sở, vùng gửi đến phòng xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh; như vậy vừa bảo đảm có kết quả kiểm tra, đánh giá điều kiện của cơ sở, vùng và có kết quả xét nghiệm bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh.
Các sở, ban, ngành tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí tiêm phòng vaccine Covid-19 cho lực lượng thú y các cấp, nhất là lực lượng phải tham gia tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng thú y triển khai phòng, chống dịch, điều trị động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật theo quy định của Luật Thú y; đặc biệt trong tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang diễn biến phức tạp trong tỉnh.
Tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò.
Chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh động vật nguy hiểm nêu trên để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.
Tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật- đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; đồng thời bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định và chỉ đạo của ngành Y tế.
Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Các địa phương thực hiện hướng dẫn người dân nuôi nhốt chó, mèo; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để tiêu diệt các loại mầm bệnh, nhất là nguy cơ có virus SARS-CoV-2 ở môi trường (có bằng chứng động vật nuôi (chó, mèo), động vật hoang dã nhiễm virus SARS-CoV-2).
Trường hợp nghi ngờ động vật nhiễm virus SARS-Cov-2 thì phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu gửi đến phòng xét nghiệm của Cục Thú y (đã được Bộ Y tế chỉ định xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2) để xét nghiệm.
Minh Dương