Du khách đến tham quan Khu du lịch núi Bà Đen. Ảnh: Đ.H.T
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI còn xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những trụ cột tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính
Nhiều năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp về cải cách hành chính, trọng tâm là kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước… gắn với kiểm tra, đôn đốc và là tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức.
Nói đến nguồn nhân lực, người ta thường quan tâm đến hai yếu tố là: chất lượng và số lượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Thực trạng cho thấy, trình độ của công chức, viên chức chưa đồng đều, nhiều vị trí chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, công tác cán bộ còn bất cập ở một số nơi. Phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Xác định nguồn nhân lực chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, hiện nay, Thị xã có 1.728 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, trình độ chuyên môn sau đại học là 24 người (tỷ lệ 1,39%); đại học là 1.167 người (tỷ lệ 67,53%) và cao đẳng, trung cấp là 533 người (tỷ lệ 30,84%). Trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp: 59 người (tỷ lệ 3,41%), trung cấp 340 người (tỷ lệ 19,67%), sơ cấp là 38 người (tỷ lệ 2,19%).
Những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của Thị xã đạt những kết quả quan trọng. Nhìn chung, số lượng cán bộ, công chức, viên chức qua các năm đến nay có giảm về số lượng nhưng chất lượng ngày càng được nâng lên, về trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nâng cao, việc phân công, bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy được năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng cơ bản yêu cầu công việc của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển ngày càng cao của thị xã Trảng Bàng những năm gần đây, thì năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra, trong đó, thiếu kỹ năng quản lý nhà nước, pháp luật, trình độ ngoại ngữ, tin học còn yếu, đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức trẻ có kiến thức, trình độ học vấn cao nhưng thiếu kinh nghiệm, chậm được phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí tương xứng.
Theo ông Dảo, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có đạo đức, tác phong, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân là quyết tâm của cả hệ thống chính trị thị xã Trảng Bàng.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Tây Ninh.
Trong thời gian tới, Thị uỷ và UBND Thị xã tiếp tục thực hiện các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức song song với thực hiện công tác tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị định 108/2014/NÐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung một số giải pháp sau:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận để xác định số vị trí việc làm bảo đảm tiêu chuẩn, đúng yêu cầu công việc với hiệu quả cao nhất, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức hằng năm và đăng ký tuyển dụng công chức cấp huyện, cấp xã, đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành.
Gắn công tác đào tạo với công tác quy hoạch sát với thực tiễn, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, chú trọng đào tạo sau đại học cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có trong quy hoạch từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên ở các cơ quan, đơn vị, nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn Thị xã trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, trong năm 2021, Thành phố tập trung rà soát, đề xuất và được UBND tỉnh thống nhất phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính ở lĩnh vực văn hoá về thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ và nhất là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố và phường, xã; tạo điều kiện, tiền đề thực hiện chính quyền điện tử và chính quyền số trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị; việc số hoá cơ sở dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh, hình thành cơ sở dữ liệu khách hàng, toàn bộ các hồ sơ đầu vào, đầu ra của thủ tục hành chính, thuận tiện cho quản lý, tra cứu về sau.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố đã có nhiều cải cách, đổi mới; quy trình giải quyết các thủ tục được rút gọn, thời gian giải quyết nhanh hơn; các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính được niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch, giảm thời gian và chi phí cho người dân, tổ chức. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 35,2%; hồ sơ trễ hạn giảm còn 0,66%.
Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện thí điểm mô hình “Một ngày không viết, một ngày không hẹn” vào thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Người dân đến bộ phận Một cửa để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được nhóm tình nguyện hỗ trợ điền các thông tin cần thiết vào các mẫu đơn sau đó, bộ phận Một cửa các xã, phường hoặc thành phố tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay trong ngày; mô hình này giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại nên được người dân đồng tình ủng hộ, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Rất đông du khách đến tham quan Khu du lịch núi Bà Đen. Ảnh: Đ.H.T
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tây Ninh được thiên nhiên ưu đãi có các di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, cùng với núi Bà Đen là danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực Đông Nam bộ. Mỗi năm, tỉnh thu hút hàng triệu lượt khách tới tham quan. Tuy nhiên, trong năm 2021, ngành du lịch tỉnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, 9 tháng đầu năm 2021, ngành Du lịch Tây Ninh chỉ thu hút gần 1,5 triệu khách (giảm 26% so với cùng kỳ năm 2020). Doanh thu từ du lịch và các hoạt động dịch vụ gắn liền với ngành du lịch đạt 593 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 45,4% theo kế hoạch năm 2021 tỉnh đề ra).
Ngày 12.10, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình liên kết du lịch giữa hai địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Ngày 16.10, Tây Ninh đón đoàn khách du lịch đầu tiên đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động ẩm thực, vui chơi, nghỉ dưỡng đều được khép kín từ các nhà cung cấp và địa chỉ cụ thể với thông điệp: “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”.
Nhờ làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, cùng với chính sách kích cầu du lịch thông qua việc miễn vé tham quan vào cổng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trong năm 2022 của tỉnh đã thu hút người dân khắp nơi đến Tây Ninh, nên lượng khách tăng nhiều so với trước khi xảy ra dịch bệnh.
Sau một năm gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch Tây Ninh đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Chỉ tính riêng từ đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần- 2022 đến nay, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, để thúc đẩy du lịch Tây Ninh ngày càng phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, hỗ trợ về pháp lý cho các nhà đầu tư, trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Phát triển các loại hình du lịch mới như: du lịch đường sông, kết nối với các vườn di sản vườn quốc gia; tổ chức và tham gia các sự kiện lễ hội, các sự kiện thể thao. Đồng thời, phát triển hệ thống giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và Vương quốc Campuchia góp phần tạo điều kiện thu hút du khách đến tham quan di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Minh Dương