Thiết bị phun hiện đại được sử dụng trong chăm sóc mía tại một nông trường.
Việc xây dựng, đưa vào hoạt động vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) nhằm cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao. Đây là chủ trương lớn của Tây Ninh và đang được quan tâm thực hiện ráo riết.
Còn hạn chế
Dù Tây Ninh đã đạt được kết quả bước đầu trên nhiều mặt trong việc phát triển sản xuất NNUDCNC, nhưng đến thời điểm hiện tại, Nhà nước cũng như nhà nông còn đối mặt với không ít khó khăn.
Cho đến giữa năm 2022, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một trang trại bò sữa (của Vinamilk) được công nhận là doanh nghiệp NNUDCNC. Tỉnh vẫn chưa có vùng sản xuất được công nhận là vùng NNUDCNC. Do đó, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất chủ yếu ở mô hình thí điểm khó có khả năng nhân rộng và chưa tạo được sự đột phá trong phát triển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là thuỷ lợi, giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất. Trong khi hệ thống các cơ sở chế biến nông sản vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Thiết bị cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ tiên tiến tại một nông trường trồng mía.
Các tiểu ngành, lĩnh vực đã ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, ngoại trừ ngành hàng khoai mì, mãng cầu, rau thực phẩm, chăn nuôi heo, gà, bò sữa đã áp dụng những công nghệ mới, các ngành khác mới chỉ dừng lại như những mô hình điểm, việc nhân ra diện rộng còn gặp nhiều khó khăn.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC còn nhiều khó khăn do rủi ro đầu tư… Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn NNUDCNC còn chưa bền vững, giá cả thiếu ổn định và nhất là chưa có sự phân biệt rõ rệt về hiệu quả kinh tế của phương thức sản xuất truyền thống với phương thức sản xuất NNUDCNC nên chưa thật sự thu hút được các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nhân rộng.
Đồng thời, vấn đề quy hoạch diện tích đất sạch, đất liền ranh, liền thửa để tiến hành kêu gọi đầu tư, sản xuất NNUDCNC còn nhiều khó khăn do vướng các thủ tục pháp lý, trong khi quỹ đất công bảo đảm các tiêu chí công nhận vùng sản xuất NNUDCNC không nhiều.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả đội ngũ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và cả nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất) chưa nhiều và chưa được đào tạo chuyên sâu nên đòi hỏi phải có sự đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới.
Cơ giới hoá trong khâu làm đất.
Sẽ hình thành nhiều vùng NNUDCNC
Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh định hướng các vùng ưu tiên cho sản xuất NNUDCNC trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo định hướng gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản; làm cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phát triển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu đưa ra các chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển vùng NNUDCNC.
Theo dự kiến của ngành Nông nghiệp, tỉnh định hướng phát triển 17 vùng NNUDCNC. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng NNUDCNC hình thành ít nhất một chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Ngành nông nghiệp phấn đấu gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hoá nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng.
Riêng diện tích sản xuất NNUDCNC đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Dự kiến, giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ có 6 vùng trồng trọt sản xuất NNUDCNC: Vùng 1 phát triển cây công nghiệp hằng năm, rau quả có diện tích khoảng 1.500 ha tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.
Vùng 2 phát triển cây công nghiệp hằng năm, mía hữu cơ, có diện tích 950 ha tại xã Thành Long, huyện Châu Thành. Vùng 3 phát triển cây ăn trái đặc sản có diện tích 400 ha tại địa điểm Nông trường Thanh niên xung phong, xã Suối Dây, huyện Tân Châu.
Vùng 4 phát triển cây mãng cầu ta có diện tích 300 ha tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Vùng 5 phát triển cây ăn trái đặc sản, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có diện tích 1.931,57 ha, đất thuộc Công ty TNHH MTV cao su 1.5 Tây Ninh giao về địa phương tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu.
Vùng 6 phát triển sản xuất rau quả thực phẩm, cây ăn trái và cây công nghiệp hằng năm, có diện tích 271,67 ha tại xã Thành Long và xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Vùng 7 phát triển chăn nuôi bò sữa với diện tích 685 ha tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Vùng 8 phát triển cây ăn trái, chăn nuôi gà giống tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, diện tích 1.000 ha, đất Công ty TNHH MTV mía đường Tây Ninh giao về địa phương. Vùng 9 phát triển chăn nuôi gà thịt, tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.
Giai đoạn 2026-2030 dự kiến có 6 vùng trồng trọt. Vùng 10 phát triển cây lúa chất lượng cao có diện tích 200 ha, tại 2 xã Phước Bình và Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Vùng 11 phát triển cây ăn trái đặc sản tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, có diện tích 500 ha, dự kiến trồng tập trung tại khu vực cuối kênh N12, kênh N14 và kênh N14-14.
Vùng 12 phát triển cây công nghiệp, dược liệu tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, có diện tích 770,9 ha, đất thuộc diện hợp đồng liên kết trồng cao su thuộc Công ty cổ phần cao su 1.5 giao về địa phương.
Vùng 13 phát triển cây ăn trái tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, có diện tích 600 ha. Vùng 14 phát triển cây ăn trái diện tích trên 800 ha tại xã Truông Mít và Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu. Vùng 15, phát triển cây lúa chất lượng cao tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, có diện tích 200 ha.
Giai đoạn này, dự kiến có 2 vùng chăn nuôi. Vùng 16 phát triển chăn nuôi gà thịt tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Vùng 17 phát triển chăn nuôi gà thịt tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành.
Thiết bị tưới công nghệ tiên tiến tại một nông trường mía.
Hiệu quả cao về kinh tế, xã hội
Kết quả đầu tư phát triển NNUDCNC tại các địa phương như Lâm Đồng, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh cho thấy giá trị sản lượng nông sản tăng lên do áp dụng tiến bộ kỹ thuật là 27% - 30%, đạt giá trị mang lại trên 1 ha sản xuất đạt từ 250 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.
Kết quả tính toán hiệu quả mang lại đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, có tiềm năng sản xuất NNUDCNC cho thấy, so với các sản xuất truyền thống thì lợi nhuận mang lại của việc đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tăng sản lượng bình quân lên 28%, sau khi trừ chi phí sản xuất thì lợi nhuận mang lại cao hơn từ 1,1 đến 3,8 lần.
Nếu Tây Ninh phấn đấu đến sau năm 2025, diện tích vùng rau an toàn, vùng cây ăn trái, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh Tây Ninh chuyển sang phương thức canh tác, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao thì hiệu quả kinh tế đạt được rất lớn hằng năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vùng sản xuất NNUDCNC là tiền đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản, hình thành các liên kết theo chuỗi, thu mua rau, trái cây an toàn từ các hộ, trang trại sản xuất là vệ tinh trên phạm vi toàn tỉnh chế biến tiêu thụ giải quyết vấn đề sản xuất được mùa mất giá hay ngược lại một cách bền vững. Đặc biệt, kết quả sản xuất NNUDCNC góp phần tăng đáng kể thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp đầu tư tại vùng sản xuất NNUDCNC.
Vùng sản xuất NNUDCNC có ý nghĩa đột phá chuyển nhanh từ nền nông nghiệp truyền thống dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên có giới hạn, chỉ chú trọng tăng về số lượng, quy mô sản xuất nhỏ sang nền nông nghiệp chất lượng, quy mô lớn dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, trở thành trung tâm trình diễn, chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần hình thành lực lượng sản xuất mới với người sản xuất có kiến thức, kỹ năng cao. Kết hợp công nghệ mới với con người mới, tạo thành động lực, là yếu tố đặc biệt quan trọng của lực lượng sản xuất nông nghiệp giai đoạn năm 2021 đến năm 2030.
Xây dựng vùng sản xuất NNUDCNC giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng sản xuất NNUDCNC, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời sản phẩm của NNUDCNC là những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Các công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp phần lớn là các công nghệ thân thiện với môi trường góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sản xuất NNUDCNC giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và nước.
An Khang