Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tháo gỡ khó khăn thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp 

Chủ nhật - 13/02/2022 14:20
BTN - Sau kỳ nghỉ tết, công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại làm việc. Qua đánh giá của ngành chức năng, tình hình lao động trên địa bàn khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) những ngày đầu năm 2022 cơ bản ổn định.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm.

Doanh nghiệp tăng tốc sau kỳ nghỉ tết

Khởi động làm việc sau Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Baiksan Textile (KCN Trảng Bàng) tích cực tập trung sản xuất. Ông Trần Chí Tuấn- Trưởng phòng nhân sự công ty này cho biết: “Từ cuối tháng 10.2021, công ty kết thúc “3 tại chỗ”, một vài công nhân nghỉ hay về quê trước đó được công ty gọi điện trở lại làm việc để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Do có những chính sách tốt cho người lao động nên sau tết, công nhân quay lại làm việc 100%, công ty rất vui mừng vì điều này. Số lao động của công ty khoảng 66 người, trong đó có 63 người Việt Nam và 3 người Hàn Quốc. Do số lượng công nhân không nhiều nên biến động lao động rất nhỏ. Hiện tại, doanh nghiệp cần bổ sung khoảng 10 lao động”.

Anh Trần Quang Vinh, công nhân Công ty TNHH Baiksan Textile chia sẻ: “Công ty có những chính sách, đãi ngộ tốt đối với người lao động. Thu nhập của công nhân trung bình từ 7 - 14 triệu đồng/tháng, tuỳ theo thời gian làm việc”.

Trở lại làm việc từ ngày 8.2, chị Trần Thị Kim Ngân- ngụ phường Gia Lộc (thị xã Trảng Bàng), công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Richy miền Nam (KCN Trảng Bàng) cho biết: “Tôi gắn bó với công ty từ năm 2015 cho đến nay. Công ty có những chế độ tốt cho công nhân, như thưởng dịp lễ, quý, hằng năm... Trở lại làm việc sau tết, tôi rất vui, sẵn sàng lao động, thi đua, đóng góp vào sự phát triển của nhà máy”.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, những ngày giáp tết xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể tại một số doanh nghiệp do chậm trả lương, thưởng, chậm làm thủ tục chi tiền tạm hoãn hợp đồng… Tuy nhiên, qua nắm tình hình và hướng dẫn, doanh nghiệp đã vận động người lao động trở lại làm việc, không tạo ra điểm nóng.

Kết quả khảo sát của Phòng Quản lý lao động - Ban Quản lý Khu Kinh tế, đến ngày 9.2.2022, có 221 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán 2022, cụ thể: số lao động trở lại làm việc khoảng 116.000/120.574 người, đạt tỷ lệ 96,23%; số lao động còn lại đã nghỉ việc hoặc về quê xa chưa trở lại làm việc. Số lao động nước ngoài trở lại làm việc 2.844/3.043 người, đạt tỷ lệ 93,46%, số còn lại về nước trong dịp tết và chưa quay trở lại.

Theo ông Nguyễn Thành Nhơn- Giám đốc hành chính nhân sự Công ty cổ phần thực phẩm Richy miền Nam, công nhân của công ty được hưởng các chế độ theo Bộ luật Lao động. Ngoài ra, vào mỗi quý, năm, dịp tết... công ty đều có những phần thưởng xứng đáng cho cán bộ, công nhân, người lao động xuất sắc.

“Sau Tết Nguyên đán, công ty bắt đầu đi vào sản xuất và đưa ra những lô sản phẩm đầu tiên. Mục tiêu công ty đặt ra năm 2022 là tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2021; tăng thu nhập cũng như phúc lợi cho người lao động.

Trong vòng 5 năm tới, mục tiêu là lọt vào top 100 nơi làm việc yêu thích nhất Việt Nam. Để hoàn thành các mục tiêu này, công ty đề ra những giải pháp như tăng cường tự động hoá các công đoạn để tăng năng suất, chất lượng; thường xuyên đào tạo, tập huấn nhân viên để họ sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị, tăng hiệu quả công việc”- ông Nhơn cho biết.

Theo kế hoạch sản xuất năm 2022, Công ty cổ phần thực phẩm Richy miền Nam cần bổ sung rất nhiều nhân sự. Sau kỳ nghỉ tết, tình hình biến động nhân sự của công ty tương đối cao- khoảng 15%. Hiện nay, công ty có khoảng 240 công nhân và cần tuyển dụng thêm 200 công nhân.

Thiếu hụt lao động do ảnh hưởng dịch bệnh

Ông Nhơn cho biết, từ tháng 10.2021 đến nay, công ty luôn trong tình trạng thiếu hụt công nhân sản xuất. Vấn đề thiếu hụt lao động nói chung được cho là do ảnh hưởng dịch bệnh; công nhân ngoài tỉnh quay về quê nhà, chưa trở vào địa phương. Mặt khác, sau khi phục hồi sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp thu hút, tuyển dụng công nhân nhưng số lượng, công nhân có hạn nên tình hình thiếu hụt lao động xảy ra thường xuyên.

Bà Trần Thị Hồng- Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh (KCN Trảng Bàng) cho biết, trước tết, KCN Trảng Bàng có khoảng 70 doanh nghiệp hoạt động với 19.000 lao động tham gia sản xuất (trước thời điểm dịch có 20.500 lao động). Đến nay, 56/70 doanh nghiệp trở lại sản xuất với khoảng 13.000 lao động.

Thời gian qua, KCN hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề tuyển dụng lao động; hướng dẫn doanh nghiệp treo băng-rôn thông báo hay đăng thông tin tuyển dụng lên website của KCN; kiến nghị Ban Quản lý khu kinh tế, UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ để người lao động yên tâm trở lại sản xuất.

“Sau thời gian giãn cách, các doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất để đáp ứng kịp thời các đơn hàng, nên cần số lượng lao động rất lớn. Hiện nay, KCN Trảng Bàng có khoảng 70% lao động ở Tây Ninh, 30% là người lao động ngoại tỉnh. Để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với KCN, đơn vị kiến nghị nên có chính sách về đất đai, nhà ở xã hội cho người lao động; có những dịch vụ tiện ích, công cộng tại chỗ để phục vụ người lao động và chuyên gia nước ngoài”- bà Hồng cho biết thêm.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Baiksan Textile, KCN Trảng Bàng.

Do lo sợ dịch bệnh cộng với điều kiện sống khó khăn nhiều tháng liền khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý, tinh thần, nhất là lao động xa quê ở trọ đợi việc. Vì thế, nhiều người đã lựa chọn hồi hương.

Tuy nhiên, ngay khi tỉnh bỏ lệnh giãn cách, các doanh nghiệp lại đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo ông Lê Anh Tú- Giám đốc điều hành Công ty TNHH đầu tư quốc tế (KCN Chà Là, huyện Dương Minh Châu), từ khoảng tháng 10.2021, doanh nghiệp rơi vào cảnh khá lúng túng khi thiếu hụt lao động sản xuất, kể cả lao động tay nghề cao và lao động phổ thông. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất nỗ lực để khôi phục phần nào nguồn lực lao động.

Bên cạnh đó, không ít người lao động sau khi nhận thưởng trước tết lại lựa chọn nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động. Để tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng qua hình thức treo băng-rôn, phát tờ rơi, liên hệ qua các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh, đăng tin trên mạng xã hội như Zalo, Facebook...

Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Tú đề nghị tỉnh có một kênh lớn, chính thống kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ cho những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tiếp cận được nguồn lao động.

Giải pháp về nguồn nhân lực

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tìm kiếm nguồn lao động, Ban Quản lý đã khảo sát các doanh nghiệp trong KCN, KKT có nhu cầu tuyển dụng lao động trong thời gian sắp tới, cụ thể: nhu cầu lao động từ đại học trở lên khoảng 1.200 người; cao đẳng 945 người; trung cấp 1.715 người; sơ cấp nghề trên 5.700 người; lao động phổ thông trên 22.000 người.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đánh giá, việc tuyển dụng lao động vào các KCN đang gặp nhiều khó khăn, cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng kịp thời nên các doanh nghiệp hầu như phải tuyển lao động phổ thông và đào tạo ngay trên dây chuyền sản xuất của mình. Lao động có trình độ quản lý, cán bộ kỹ thuật, kế toán trưởng, phiên dịch tiếng Anh, Hoa, Hàn… hầu như phải tuyển từ TP. Hồ Chí Minh hoặc sử dụng lao động là người nước ngoài.

Tình trạng thiếu hụt trên do một số nguyên nhân: người lao động về quê (các tỉnh phía Bắc và Trung) không trở lại do điều kiện xa xôi, đi lại vào dịp đầu năm khó khăn; một số công nhân có con nhỏ, hoặc có doanh nghiệp gần quê nên lựa chọn ở lại quê nhà tìm công việc gần gia đình; có sự dịch chuyển qua lại giữa các doanh nghiệp KCN (một số doanh nghiệp đi vào hoạt động hoặc mở rộng tuyển dụng mới) hoặc dịch chuyển cục bộ tại các KCN trên địa bàn tỉnh (người lao động muốn tìm việc làm gần nhà tại các khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh).

Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục nắm thông tin về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Tỉnh đoàn nắm nguồn cung lao động để kết nối với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; kết nối trong công tác tuyển sinh và đào tạo học viên những ngành nghề phù hợp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp theo định hướng đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng.

Năm 2021 và năm 2022, trong khi Chính phủ chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng, sẽ khuyến khích doanh nghiệp điều chỉnh lương hằng năm, đặc biệt tăng các chế độ, phụ cấp, trợ cấp nhằm thu hút, hỗ trợ người lao động tiếp tục làm việc tại công ty.

Bên cạnh đó, thực hiện mô hình liên kết giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp theo hướng đôi bên cùng có lợi, để học viên có cơ hội trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và nâng cao kỹ năng tay nghề; doanh nghiệp có cơ hội tuyển lao động có thể đáp ứng ngay yêu cầu sản xuất khi vừa tốt nghiệp, tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo tại doanh nghiệp.

Xây dựng chương trình đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT bảo đảm nội dung chương trình theo các tiêu chuẩn tiên tiến về phương pháp lẫn nội dung.

Hỗ trợ xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định trong doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận để có điều kiện chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động nhằm giữ người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

GIANG HÀ

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp