Hệ thống kênh tiêu Hội Thanh, xã Tân Hội.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 34 dự án kênh tiêu, để tiêu thoát nước 11.537 ha đất sản xuất nông nghiệp. Công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thực hiện gồm: sửa chữa hạng mục công trình, duy tu, bảo dưỡng, bổ sung hạng mục công trình điều tiết, phát quang cỏ, vớt rong 73 công trình, nạo vét kênh tiêu 86,526km.
Các dự án kênh tiêu đầu tư giai đoạn 2016-2022 được thực hiện theo hướng tập trung, ưu tiên những công trình trọng điểm, quan trọng; đầu tư hạ tầng kênh tiêu đồng bộ điều tiết, giữ nước trong mùa khô tạo nguồn để tưới, kết hợp bổ sung hệ thống lưới điện, công trình đường giao thông nông thôn, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, điều tiết bảo đảm tiêu nước trong mùa mưa, bão, thích ứng với biến đổi khí hậu; cấp, thoát nước chủ động cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, chuyển đổi cây trồng, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế, nâng cao năng suất cây trồng và giá trị sản xuất trên diện tích chuyển đổi cây trồng, góp phần giúp ngành thực hiện đẩy nhanh đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, đối với công tác quy hoạch, ngành nông nghiệp chủ động rà soát, cập nhật quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035 vào Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để làm cơ sở triển khai thực hiện; đồng thời rà soát, cập nhật quy hoạch thuỷ lợi dựa trên cơ sở cơ bản điều tra về thuỷ lợi, phù hợp với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với kết cấu hạ tầng và các quy hoạch có liên quan để bảo đảm sử dụng đa mục tiêu, thống nhất trong tổ chức thực hiện, khắc phục sự chồng chéo liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất hệ thống công trình thuỷ lợi, bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hoà, phân phối nguồn nước, giảm thiểu rủi ro hạn, thiếu nước, ngập úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước; hài hoà các nhóm lợi ích trong sử dụng nước.
Mặt khác, để định hướng đầu tư kênh tiêu trong giai đoạn tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự án “Xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt vùng có nguy cơ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” và được UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí thực hiện dự án tại Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 1.7.2022.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thuỷ lợi như đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo hướng tập trung, ưu tiên những công trình trọng điểm, quan trọng có tính lan toả để sớm phát huy hiệu quả đầu tư; đầu tư hạ tầng thuỷ lợi đồng bộ, kết nối với hạ tầng giao thông, bổ sung hệ thống lưới điện, công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm nhiệm vụ cấp, thoát nước chủ động hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, chuyển đổi cây trồng.
Song song đó, ngành nông nghiệp xúc tiến, tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài ngân sách tỉnh để đầu tư dự án; thu hút các nguồn lực của xã hội để xây dựng công trình thuỷ lợi, phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16.5.2018 của Chính phủ, Nghị quyết số 29/2022/NQ-HDND ngày 20.7.2022; phấn đấu đến năm 2030, nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hoá 393 tuyến kênh với tổng chiều dài là 129,67km, phục vụ tưới 8.034 ha.
Tăng cường chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi: miền Nam, Tây Ninh. UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở, ngành liên quan trong công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, phục vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; duy trì an toàn công trình hồ đập, hồ chứa nước, công trình thuỷ lợi, an ninh nguồn nước; thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn công trình thuỷ lợi.
Tấn Hưng