Anh Lợi đang dọn bả dớ cho cây dừa xiêm dứa.
Dừa xiêm dứa hay còn có tên gọi khác là dừa xiêm thơm Thái Lan được anh Lợi đầu tư trồng trên diện tích khoảng 6.000m2, với số lượng 150 gốc dừa. Dừa trồng khoảng 3 năm thì cho trái. Trung bình mỗi cây đậu được 4 quày dừa cùng cỡ (chưa tính các quày còn non phía trên), mỗi quày khoảng 10 trái.
Nước dừa có mùi thơm đặc trưng của cây dứa, vị ngọt đậm đà, cơm dừa dẻo và thơm ngon đồng vị nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Được biết, thương lái đến liên hệ mua dừa tại vườn với giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/trái. Chủ vườn mang dừa đến bán sỉ tại các tiệm tạp hoá, quán nước giải khác, chợ… thì giá dao động 8.000 đồng đến 9.000 đồng/trái.
Chỉ với 150 gốc dừa, anh Lợi có thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Đó là vườn dừa mới được thu hoạch năm đầu tiên. Những năm về sau, cây dừa càng cho trái nhiều hơn, dừa lại có trái quanh năm, nguồn thu nhập theo đó tăng lên.
Số lượng dừa xiêm dứa mà anh Lợi bán ra luôn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và tiểu thương tại địa phương. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, anh Lợi vẫn bán được dừa, vì đây là loại thức uống tốt cho sức khoẻ.
Về nguyên nhân chọn giống cây trồng này, anh Lợi cho hay: “Ở địa bàn xã Truông Mít, hầu hết bà con đều trồng cây nhãn. Riêng tôi nhận thấy, giá bán trái nhãn rất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Campuchia và Trung Quốc.
Trong khi, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận có khí hậu nắng nóng, giải khát là nhu cầu tất yếu của con người. Đặc biệt, đối với dừa là loại nước giải khát có lợi cho sức khoẻ thì càng không sợ “ế”, nhất là loại dừa xiêm dứa thơm ngon này”.
Thật ra, tại địa phương cũng có người dân đầu tư trồng cây dừa dứa trên diện tích lớn, nhưng không thành công. Phần lớn cây dừa cho trái không đạt, cây phát triển “èo uột”, chậm ra trái hoặc bị đuông đụt thân gây chết cây. Theo kinh nghiệm của anh Lợi, vấn đề nằm ở khâu chọn giống và kỹ thuật chăm sóc. Giống dừa xiêm dứa được bán với khá cao, lúc anh Lợi mua là 65.000 đồng/trái, trong khi chọn giống tránh lấy nhầm trái dừa đực và dừa “trăng ăn”.
Cụ thể, nếu là trái dừa đực thì mầm ươm mọc ra sẽ thon dài, lá mầm không bung xoè, màu không chuẩn xanh đặc trưng của xiêm dứa, chọn nhầm trái giống này để trồng sẽ chậm có trái, trái không đạt, rụng nhiều hoặc không ra trái.
Dừa “trăng ăn” bên trong cơm dày, mỏng, nổi cục bất thường, mầm giống mọc ra như dừa giống cái (theo cách gọi của bà con nông dân) nhưng màu sắc kém sức sống, loại trái giống này cũng không nên chọn.
Người trồng dừa xiêm dứa hay các giống khác nên chọn giống dừa cái, thân mầm mọc ra từ trái giống to tròn, lá không ôm dính theo mầm mà bung xoè, láng mướt, màu xanh đặc trưng rõ rệt của xiêm dứa. Cũng không nên chọn dừa giống rễ mầm phát triển quá dài, vì khi lấy trái giống khỏi vườn ươm sẽ bị đứt rễ, dừa mất sức, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Nên trồng dừa ở khoảng cách khi dừa trưởng thành, tàu của cây này vừa chạm đến tàu của cây kia.
Một trong số những hàng dừa trĩu quả của anh Lợi.
Anh Lợi chia sẻ thêm, sau khi trồng dừa, đặc biệt chú trọng việc phun trừ đuông đục thân, nấm trắng bám theo bẹ dừa. Có nhiều loại thuốc sinh học đặc trị đuông và nấm trắng được bán tại các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cần cung cấp đủ nước cho cây trong mùa nắng, tốt nhất nên đầu tư hệ thống tưới phun, để vừa tưới nước, vừa tận dụng tưới phân cho cây dễ hấp thu.
Để cho cây trồng hấp thu tốt nhất phân bón, tránh sâu rầy trú ngụ, phải thường xuyên dọn sạch vườn, không nên để lá ủ, rơm, dây đậu… trong và gần vườn dừa, vì đó sẽ là nơi trú ngụ của vô số mầm bệnh, sâu rầy, chuột bọ gây hại cây dừa.
Hiện tại, anh Huỳnh Đức Lợi đang tuyển chọn một số cây dừa xiêm dứa để giống, hướng tới kinh doanh trái dừa giống, bên cạnh việc bán dừa dứa giải khát. Hy vọng, với hiệu quả kinh tế của mô hình trồng dừa xiêm dứa, bà con nông dân có thêm sự lựa chọn trong trồng trọt, nhằm hạn chế việc lệ thuộc vào giá cả trái nhãn bấp bênh thường diễn ra.
Quốc Sơn