Xe buýt hoạt động trên một tuyến phố. Ảnh Khánh Duy
Hạ tầng chưa bảo đảm
Hiện tại, toàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt đang hoạt động với tổng chiều dài tuyến khai thác là 366 km, gồm 3 tuyến nội tỉnh (bến xe Tây Ninh- bến xe Tân Hà, bến xe Tây Ninh-cửa khẩu Mộc Bài, bến xe Tây Ninh-cửa khẩu Xa Mát) và 4 tuyến liên tỉnh liền kề đi TP. Hồ Chí Minh (bến xe Tây Ninh-bến xe Củ Chi, bến xe Hòa Thành-bến xe Củ Chi, cửa khẩu Mộc Bài-Bến Thành, Lộc Hưng-Bố Heo).
Nhìn chung, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cơ bản đã hình thành và phát triển (không chỉ giới hạn trong phạm vi đô thị mà còn mở rộng đến địa phương lân cận). Tuy nhiên, hành trình chạy xe các tuyến chủ yếu đi qua các trục lộ chính ngang các khu vực trung tâm đô thị, các khu vực ngoại ô, vùng sâu, vùng xa có độ bao phủ kém dẫn đến khó khăn cho việc tiếp cận xe buýt của người dân khu vực này.
Về hạ tầng hỗ trợ, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 bến bãi được bố trí làm điểm đầu cuối cho các tuyến xe buýt và 385 trạm dừng, 11 nhà chờ. Đáng mừng là những năm gần đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trước đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, hiện các trạm dừng, nhà chờ được đầu tư với chất lượng khá tốt. Trong các năm 2018, 2019, tỉnh đã đầu tư 8 nhà chờ, sơn vạch, lắp biển 115 trạm dừng đón trả khách cho xe buýt; các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị khai thác bến xe đã tạo điều kiện để bố trí các bến đầu cuối cho các tuyến buýt. Tuy nhiên, số lượng nhà chờ còn ít nên hành khách gặp khó khăn khi chờ xe trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão.
Chất lượng thấp
Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, toàn tỉnh có 85 phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe buýt. Trong đó, các doanh nghiệp của tỉnh Tây Ninh quản lý 50 phương tiện, còn lại 35 phương tiện là các doanh nghiệp thuộc TP. Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng đã cố gắng cải tạo, sửa chữa phương tiện để đảm bảo hoạt động. Về cơ bản, có thể thấy các phương tiện đã đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đặc trưng của loại hình xe buýt như diện tích đứng, tay nắm....
Tuy nhiên, có một thực trạng chung là đa số phương tiện hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã cũ và đã qua sử dụng từ 14 đến 17 năm (sản xuất từ năm 2003 đến năm 2007, có tiêu chuẩn khí thải Euro II trở xuống). Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế khác như: Chưa có phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch; chưa có phương tiện có chức năng hỗ trợ cho người khuyết tật sử dụng; do tuổi đời phương tiện cao, hầu hết đã cũ nên chất lượng dịch vụ kém…nên chưa thu hút được hành khách.
Đáng chú ý là do tuổi đời phương tiện cao và để tiết kiệm chi phí nhiên liệu nên hầu hết các phương tiện xe buýt khai thác tuyến đều không được lắp – sử dụng điều hòa. Với điều kiện thời tiết, khí hậu nóng bức ở Tây Ninh thì tình trạng này khiến nhiều hành khách ngán ngẩm.
Chưa hết, do số xe hoạt động trên tuyến ít nên thời gian giãn cách các chuyến xe khá dài, trung bình khoảng 20 phút/chuyến, có những tuyến lên tới 40-45 phút/chuyến. Thời gian chờ đợi lâu càng làm giảm sự thu hút của dịch vụ xe buýt. Theo thống kê của ngành Giao thông Vận tải, số chuyến xe hoạt động bình quân/ngày của các tuyến xe buýt nội tỉnh trong năm 2010 là 52,6 chuyến/ngày/tuyến, đến năm 2020 đạt bình quân 53,3 chuyến/ngày/tuyến (tăng 1,01% so với năm 2010).
Giá vé cao
Các tuyến xe buýt được bố trí hành trình đi và về trên cùng tuyến đường, do đó tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng loại hình dịch vụ công cộng này. Tuy nhiên, chỉ có một vài tuyến thu hút được đối tượng học sinh, sinh viên sử dụng (tuyến 8, 70-1) nhưng sản lượng hành khách tham gia trên tuyến có xu hướng giảm dần, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Có thể thấy, sau nhiều năm triển khai loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, cho đến nay, tỷ lệ người dân tham gia lưu thông, đi lại bằng xe buýt vẫn còn rất thấp - chiếm khoảng 5-8% nhu cầu đi lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không phát triển mà có xu hướng “thoái trào“. Cụ thể như, trong năm 2010, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 11 tuyến xe buýt nhưng đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 7 tuyến xe buýt hoạt động tự cân đối (không được trợ giá).
Ngoài nguyên nhân chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện còn hạn chế thì giá vé cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến loại hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khó thu hút được hành khách. Theo một cán bộ Sở Giao thông Vận tải, các tuyến xe buýt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều do các đơn vị vận tải tư nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã) tự hạch toán chi phí kinh doanh nên giá vé khá cao.
Đồng thời, thời gian qua, việc miễn, giảm giá vé đi xe buýt cho các đối tượng ưu tiên được thực hiện rất hạn chế. Hầu hết các đơn vị khai thác hành khách bằng xe buýt không thực hiện hoặc nếu có chỉ thực hiện giảm giá vé trong một số trường hợp cụ thể khi cơ quan nhà nước có văn bản kêu gọi, vận động nhưng kết quả rất thấp. (Trong năm 2019, hệ thống xe buýt trong tỉnh chỉ giảm giá vé cho 516 lượt người khuyết tật, 1.230 lượt người cao tuổi.
Trong năm 2020, các tuyến xe buýt chỉ giảm giá vé cho 455 lượt người khuyết tật, 1.115 lượt người cao tuổi. Các đơn vị khai thác hành khách bằng xe buýt chưa thực hiện miễn giá vé cho đối tượng ưu tiên theo quy định).
Theo vị cán bộ Sở Giao thông Vận tải nêu trên, giá vé đi xe buýt hiện nay của tỉnh Tây Ninh tính theo cự ly đi xe của hành khách bình quân gồm các loại: 10.000-15.000-20.000-25.000-40.000 đồng và cao nhất là 50.000 đồng. So sánh với các địa phương lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp thì giá vé xe buýt của tỉnh cao hơn khoảng 1,5 lần.
An Khang