Nước từ hệ thống kênh phục vụ cho sản xuất của nông dân. Ảnh minh hoạ: Tấn Hưng
Thực hiện Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 20.3.2019 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Tây Ninh, VNPT Tây Ninh xử lý 300 hộ/766 hộ vi phạm, đạt 39,16%. Cụ thể, hộ lấn chiếm phạm vi bảo vệ kênh đã xử lý, giải toả 272/578 trường hợp, đạt 47,06% so với kế hoạch; vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 28/188 trường hợp, đạt 14,89% so với kế hoạch.
Ngoài ra, UBND huyện Tân Biên, Công ty Điện lực Tây Ninh, VNPT Tây Ninh đã rà soát và phát sinh các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi. Cụ thể, trụ điện trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi (của Công ty Điện lực Tây Ninh) gồm 739 trụ, trong đó, có 513 trụ nằm trên bờ kênh, mái kênh và 226 trụ nằm ngoài mái kênh.
Đối với các trụ nằm ngoài mái kênh, di dời 82 trụ, đã lên kế hoạch xử lý 65 trụ, chưa xử lý 79 trụ (Công ty Điện lực Tây Ninh xin phép tồn tại); đối với các trụ nằm trên bờ kênh, chưa xử lý 513 trụ (Công ty Điện lực Tây Ninh xin phép tồn tại); cấp GCNQSDĐ chồng lấn vào phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, có 10 trường hợp tại xã Trà Vong, huyện Tân Biên (chưa xử lý); cột chuyên ngành trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi (của VNPT Tây Ninh) có 112 cột.
Đã xử lý 107 cột, tồn tại 5 cột (đang xử lý do chưa có mặt bằng thi công, khi dời sẽ vào đất người dân hoặc lấn vào đường giao thông). Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng với các đơn vị liên quan thống nhất hướng xử lý các vấn đề tồn tại và báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Về thanh tra chuyên ngành, ngày 14.12.2021, Giám đốc Sở NN&PTNT phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2022 tại Quyết định số 350/QĐ-SNN, trong đó, có thanh tra việc chấp hành quy định trong công tác khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đối với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh.
Kết quả có 4 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, tổ chức, cá nhân vi phạm chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu. Ngày 23.9.2022, Sở NN&PTNT ban hành Kết luận số 3536/KL-SNN, trong đó, có đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý các trường hợp nêu trên và giao các cơ quan, đơn vị theo dõi, thực hiện kết luận.
Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổng hợp, báo cáo, phản ánh tình hình tổ chức thực hiện và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, thời gian qua, đơn vị thường xuyên rà soát tổng thể hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh để cập nhật Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035 vào Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng thời rà soát, cập nhật quy hoạch thuỷ lợi dựa trên cơ bản điều tra về thuỷ lợi, phù hợp với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với kết cấu hạ tầng và các quy hoạch có liên quan để bảo đảm sử dụng đa mục tiêu, thống nhất trong tổ chức thực hiện, khắc phục sự chồng chéo liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất hệ thống công trình thuỷ lợi, bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hoà, phân phối nguồn nước, giảm thiểu rủi ro hạn, thiếu nước, ngập úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước; hài hoà các nhóm lợi ích trong sử dụng nước.
Để tránh lãng phí tài nguyên đất và thu hồi tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tài sản công trình thuỷ lợi đúng theo quy định, Sở NN&PTNT phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh rà soát các tuyến kênh không còn hiệu quả sử dụng, thống nhất đề nghị xoá, khôi phục, chuyển công năng, di dời... và đề xuất phương án, kế hoạch sử dụng diện tích đất thuỷ lợi theo quy định. Kết quả, trong năm 2022 đã đề nghị xoá 40 tuyến kênh không còn hiệu quả sử dụng; khôi phục 4 tuyến kênh; chuyển công năng/di dời 2 tuyến kênh.
Giang Hà