Ðả kích, phủ định
Trước hết, dạng quan điểm tập trung xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Ðảng Cộng sản Việt Nam và toàn xã hội. Ðây là chiêu bài, là dạng quan điểm sai trái phổ biến nhất hiện nay trên không gian mạng.
Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin là hoạt động nhất quán của các thế lực thù địch chống chế độ. Họ thường đả phá chủ nghĩa Mác - Lênin trên một số khía cạnh nhất định. Các đối tượng thù địch cho rằng, C. Mác, Ph. Ăngghen khi nghiên cứu sự phát triển của xã hội loài người chỉ khảo sát xã hội phương Tây với nền văn minh cơ khí mà không hiểu gì về đặc điểm, trình độ của xã hội phương Ðông, nên không thể áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch là tạo ra sự hoài nghi về tính đúng đắn, khoa học và giá trị nhận thức luận, cải tạo thế giới của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Họ tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin ở từng bộ phận cấu thành, những nội dung cốt lõi, những nguyên lý cơ bản, có tính chất sống còn của học thuyết. Ðó là lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp, học thuyết giá trị thặng dư, lý luận về chuyên chính vô sản, về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về thời đại ngày nay và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Họ tuyên truyền, hô hào, cổ vũ thái quá những ưu thế về kinh tế - xã hội của chủ nghĩa tư bản, cố tính che giấu những khuyết tật của nó. Họ lợi dụng sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu để phủ định sạch trơn học thuyết Mác - Lênin, cho rằng đó cũng là sự kết thúc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong khi sự thật sự sụp đổ của Liên Xô và Ðông Âu là sự sụp đổ về mô hình chứ không phải bản chất.
Dạng quan điểm tuyên truyền, phê phán, đả kích, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đang tập trung khai thác các khía cạnh sau: họ phản bác, phủ định vai trò cũng như công lao đối với đất nước của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước.
Trong đó, họ tập trung xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong công cuộc đổi mới hiện nay (có người gọi họ chính là nhóm lật sử). Họ xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Họ cho rằng Ðảng Cộng sản Việt Nam đang khủng hoảng về đường lối lãnh đạo đất nước, do đó, phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để tìm ra con đường phát triển đúng đắn cho Việt Nam.
Nhưng, họ lờ đi một sự thật: trước khi Ðảng ra đời, hơn 300 cuộc nổi dậy của nhân dân ta nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp đều thất bại. Họ quy kết những yếu kém, bất cập của xã hội là do chế độ độc đảng gây ra. Họ tuyệt đối hoá các chuẩn mực, giá trị của phương Tây với những tự do, dân chủ, nhân quyền theo cách hiểu và cách làm của các nước tư bản phương Tây...
Một dạng quan điểm khác, là họ xuyên tạc, phủ nhận giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng” của Ðảng và toàn dân tộc. Ðể phủ nhận giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch thường dùng thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo tư tưởng của Người, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, với đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước ta và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Họ không ngần ngại vu khống, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, hình ảnh cao đẹp của Người trong lòng nhân dân Việt Nam.
Họ tập trung khai thác các yếu tố như phê phán việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, một nước thuộc nền văn hoá phương Ðông khác hẳn với phương Tây là một sai lầm to lớn của lịch sử.
Ðể đến hôm nay nước ta lại phải quay trở về với con đường tư bản chủ nghĩa thông qua việc chấp nhận áp dụng kinh tế thị trường. Họ trắng trợn quy kết tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước là hậu quả trực tiếp của sai lầm ấy. Chúng còn xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ về đời tư cũng như đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họ không biết hoặc cố tình quên đi một sự thật: “Không chỉ có sức lan toả mạnh mẽ, được nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ và kính trọng, Hồ Chí Minh còn là người có sức hút lạ thường, chiếm được trái tim và khối óc của nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà nghiên cứu trên thế giới.
Ông Mark Delphin, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam của Cộng hoà dân chủ Ðức từng nói: “Tôi đã đi nhiều nước, đã gặp nhiều nhân vật chính trị trên thế giới, kể cả châu Âu, châu Á, nhưng tôi chưa thấy ai đạt tới sự thống nhất hài hoà giữa chủ nghĩa nhân đạo và tầm cao chính trị, giữa đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hiểu biết sâu rộng, giữa tình cảm ấm áp và nghị lực phi thường đến mức tuyệt vời như Bác Hồ” (John Stern: Bác Hồ như chúng ta đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr.56.).
Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Kennedy đã thừa nhận: “Dù chúng ta nghĩ thế nào về ông Hồ Chí Minh và biết rằng ông là người cộng sản kiên cường tận tuỵ, chúng ta cũng cần phải công nhận rằng ông trước hết là một nhà yêu nước” (Hãng thông tấn Mỹ AP, phát ngày 4-9-1969.).
Một nhà khoa học Ba Lan cũng tự hỏi: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được người Việt Nam yêu mến đến thế và liệu trong trường hợp này sự sùng bái cá nhân có đóng vai trò nào đó hay không? Sau khi tìm hiểu, phân tích tính cách và hoạt động của Hồ Chí Minh, chính nhà khoa học này đã tự trả lời, khẳng định rằng: Không! Người đã và vẫn là nhà lãnh đạo sáng suốt của dân tộc, người thầy tận tuỵ và người bạn của mỗi người dân Việt Nam (Theo Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1999, tr.185.)” - trích đoạn trong một bài đăng trên báo Công an nhân dân điện tử.
Phải làm gì?
Theo các nhà nghiên cứu, trên cơ sở phát huy những nguồn lực chính trị, tinh thần của nhân dân, công tác tư tưởng, lý luận phải không ngừng củng cố lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng tin của toàn dân vào công cuộc đổi mới do Ðảng lãnh đạo; bảo vệ vững chắc tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng nhân văn cao cả Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, các cán bộ cao cấp của Ðảng. Ðể đạt mục tiêu đó, phải chăm lo xây dựng nền tảng tinh thần của con người và xã hội, làm tốt việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ theo định hướng giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam.
Trong khi tập trung xây dựng và củng cố trận địa tư tưởng, lý luận xã hội chủ nghĩa, không được lơ là, mất cảnh giác với âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trước hết phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, sâu sắc trong nội bộ Ðảng, các cơ quan Nhà nước, các lực lượng vũ trang.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong toàn xã hội. Sự nhất trí về chính trị, tinh thần, lý tưởng xã hội chủ nghĩa đồng nhất với lợi ích của quần chúng nhân dân sẽ là nền tảng quyết định mọi thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Các cấp uỷ Ðảng phải không ngừng tự chỉnh đốn, đổi mới ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay để tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, bảo đảm cho Ðảng có thực quyền lãnh đạo đối với chính quyền, với toàn bộ đời sống xã hội- nhất là với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các cấp uỷ Ðảng phải lãnh đạo chặt chẽ các tổ chức quần chúng, thắt chặt mối quan hệ với quần chúng. Tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được để xây dựng một mặt trận cách mạng rộng lớn, làm cơ sở cho việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược nói chung cũng như cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng.
Cần tập trung chỉnh đốn, củng cố các tổ chức Ðảng có biểu hiện yếu kém, không phát huy được vai trò lãnh đạo, đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới và xây dựng tổ chức cơ sở Ðảng ở tất cả cơ quan, xí nghiệp, cơ sở kinh tế, địa bàn dân cư.
Phải bảo đảm rằng ở đâu có quần chúng thì ở đó có sự lãnh đạo của tổ chức Ðảng. Xây dựng phải gắn liền với bảo vệ Ðảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, do các tổ chức Ðảng, bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cùng thực hiện theo phương châm “phòng ngừa là chính, giữ vững bên trong là chính, chủ động tấn công địch”. Trong đó, giữ vững bên trong là điều kiện quyết định để khắc phục, đấu tranh làm thất bại mọi quan điểm sai trái, thù địch đối với nước ta.
Cần đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận nhằm vạch trần bản chất phản động, phản khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðây là cơ sở quan trọng để xây dựng sức đề kháng trong tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, là tiền đề làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch vào hệ tư tưởng cách mạng của Ðảng và nhân dân.
Cần vạch trần bản chất phản động, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng và sử dụng các cơ quan truyền thông đặt ở nước ngoài và mạng internet tuyên truyền chống Việt Nam. Bác bỏ mưu toan lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo nhằm gây rối về chính trị, chống phá chế độ hoặc can thiệp vào công việc nội bộ nước ta.
Phải thẳng thắn, sòng phẳng vạch trần bản chất lừa bịp, dối trá cũng như các thủ đoạn, kỹ thuật, chiến thuật tuyên truyền chống Việt Nam, bộ mặt thật của kẻ khởi xướng, kẻ ủng hộ và chân tướng của bọn tay sai thường xuyên tham gia vào các chiến dịch phá hoại tư tưởng chống Việt Nam trên các phương tiện truyền thông của địch và mạng internet. Giải thích rõ nguồn gốc, nguyên nhân, thủ đoạn mưu mô, xảo quyệt cũng như hậu quả và tính chất nguy hiểm trong âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
An Châu
(còn tiếp)