Nước mắt rơi nơi vùng đất hứa
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn có khoảng 381 công dân xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật. Trong số đó, cơ quan chức năng đã phối hợp đưa 179 công dân về nước (giải cứu 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động tại các sòng bạc, casino, game online). Ngoài ra, có 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc để được về nước.
Anh T.T.D. (ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) là trường hợp may mắn được gia đình nộp tiền chuộc để được về nước. (Ảnh: Đ.H)
Là một trong những người may mắn được gia đình nộp tiền chuộc để về nước, sau một thời gian làm việc tại một casino ở Campuchia, anh T.T.D (19 tuổi, trú tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) vẫn chưa hết những sợ hãi khi nhớ lại quãng thời gian làm việc ở xứ người.
Khi được hỏi về quá trình đến xứ người và cuộc hành trình trở về ra sao, anh D. cho biết, dịp trước Tết Nguyên đán năm nay (2022), thông qua mạng xã hội, một người bạn cũ của anh (ở Nam Định) giới thiệu và rủ anh sang Campuchia làm việc với công việc nhẹ nhàng, lương cao. Ngoài ra, mọi thủ tục, chi phí sang Campuchia đều có người lo hết.
Sau khi đón Tết cùng gia đình, ngày 14/1 âm lịch, anh D. cùng người bạn vào TP Hồ Chí Minh để gặp một người và được người đàn ông này đưa đến cửa khẩu Long Bình, rồi từ đây vượt biên sang Campuchia, đến một sòng bạc cách khu vực cửa khẩu không xa.
Cũng từ khi đến đây, mọi liên lạc với người đàn ông dẫn đường đều bị cắt đứt. “Lúc này, có người đại diện của sòng bạc đến thông báo là tôi đã bị bán với số tiền là 2.700 USD (khoảng 60 triệu đồng)”, anh D. nhớ lại.
Cũng theo anh D., nhận được thông báo mình đã bị bán, anh như “chết lặng”, tuy nhiên, nơi xứ người không quen biết ai, anh chỉ còn cách chấp nhận làm việc, với mong ước sớm trả xong số tiền trên để được về nước.
Một số trường hợp xuất cảnh trái phép sang Campuchia, làm việc với cơ quan chức năng sau khi về nước. (Ảnh: Đ.H)
Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng phục vụ khách ở casino thì nhận được thông báo, làm việc không đạt và anh đã bị bán tiếp cho một công ty khác (cũng trong khu casino) với giá 4.600 USD (khoảng hơn 100 triệu đồng). Sang công việc mới, anh D. được phát cho máy tính, điện thoại để tư vấn những nội dung mà các đối tượng đã soạn sẵn cho khách đánh bạc qua mạng.
“Tại công ty này, chúng tôi được yêu cầu làm việc tại chỗ, không được đi ra ngoài khỏi khuôn viên công ty. Hầu hết ai cũng sợ bởi các bảo vệ nơi đây đều được trang bị súng, kiểm soát mọi sinh hoạt. Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc khoảng 14h đồng hồ và không được trả lương. Vì tiền lương để cho chi phí sinh hoạt và trả nợ tiền đã môi giới sang Campuchia làm việc. Khi chúng tôi nói xin nghỉ việc thì đại diện công ty thông báo; phải nộp số tiền chuộc là 140 triệu đồng mới được về” - anh D. cho biết.
Cũng theo anh D. để không bị bán tiếp cho một công ty khác (cũng trong khu sòng bạc) với giá cao hơn, và gánh số nợ ngày một lớn, anh đã phải gọi điện về nhà cầu cứu gửi tiền sang chuộc. Một thời gian chờ đợi gia đình gom góp, vay tiền gửi sang, anh mới thoát được và trở về quê hương.
Vẫn chờ một phép màu
Không được may mắn như anh D. đã trở về với gia đình, anh Tr.V.H (20 tuổi) kể từ khi sang Campuchia làm việc, gia đình anh vẫn chưa nhận được thông tin xác thực nào từ con, ngoài hung tin của một người gọi về báo cho gia đình là H. đã bị đánh đập dẫn đến tử vong ở xứ người.
Ông Tr.V.T (trú tại xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cùng gia đình vẫn đang mong ngóng, chờ phép màu về tin tốt lành của con trai. (Ảnh: Đ.H)
Kể về con trai, ông Tr.V.T (là bố đẻ, ở xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, đầu năm nay (2022), H. có xin bố mẹ ra Bắc Ninh làm việc, tại đây H. được bạn bè giới thiệu sang Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc lại nhàn hạ. Sau đó H. đồng ý và có gọi điện về nhà thông báo cho gia đình biết sẽ sang Campuchia làm việc, rồi sau đó mất liên lạc với gia đình.
Một thời gian ngắn sau, gia đình nhận được cuộc điện thoại lạ thông báo, nếu muốn chuộc H. về thì phải nộp gần 80 triệu đồng. Sau đó, lại có người gọi điện thoại thông báo H. đã bị bạo hành, đánh đập dẫn đến tử vong, nếu muốn nhận xác con về thì phải thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia can thiệp.
“Nghe tin mà chết lặng, bủn rủn chân tay, tôi không biết xoay sở thế nào. Sau đó, cũng có nhờ người quen (ở Campuchia) đến khu vực trên để dò hỏi, tuy nhiên, được báo lại rằng, không thể tiếp cận được khu vực này vì bảo vệ rất nghiêm ngặt, và mọi thông tin vẫn chưa rõ thực hư như thế nào. Đến giờ này, tôi vẫn hi vọng một phép màu, con trai vẫn còn sống, và cuộc điện kia chỉ là đe dọa để đòi tiền chuộc. Còn trong trường hợp xấu, thì tôi cũng mong cơ quan chức năng giúp đỡ, để đưa con về với quê hương”, ông Trung xót xa.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các nạn nhân trên địa bàn vừa được lực lượng chức năng giải cứu, trao trả về nước đều cho hay, đã bị các đối tượng quen biết, thông qua mạng xã hội rủ rê, lôi kéo sang Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc nhàn. Các nạn nhân đều là những thanh niên trẻ, không có việc làm ổn định, có phần ham chơi, biết sử dụng máy tính, điện thoại...
Các đối tượng thường đưa ra lời dụ dỗ với công việc nhẹ (làm việc trên máy tính, điện thoại), với mức lương từ 700 đến 1.000 USD/1 tháng và mọi chi phí sang Campuchia làm việc sẽ được công ty chi trả toàn bộ. Trước lời dụ dỗ trên, nhiều người nhẹ dạ bị lừa và bán sang Campuchia.
Nguồn laodong.vn