Cụ thể, thứ nhất là điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 5 thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ cho phù hợp với thời điểm hiện tại. Vì Thông tư 58 hướng dẫn thực hiện, Luật Đấu thầu, Nghị định sổ 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu được ban hành trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 15/2017/QH14 ngày 21.6.2017 và Nghị định số 151/2017/ND-CP ngày 26.12.2017 nên trong thời điểm hiện tại khi thực hiện sẽ khó khăn trong việc áp dụng, nhất là cơ quan Đảng.
Thứ hai là điều chỉnh bổ sung rõ hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, sử dụng vốn chi thường xuyên nếu không thuộc các trường hợp áp dụng chỉ định thầu tại Điều 15 của Thông tư thì áp dụng theo hình thức nào, vì Điều 18 phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh của Thông tư không có nội dung gói thầu dịch vụ tư vấn nhưng nội dung mua sắm dịch vụ tư vấn thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư.
Cử tri cũng đề nghị bổ sung trường hợp áp dụng, quy trình thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi. Vì trong Thông tư chưa có nội dung này.
Trước kiến nghị của cử tri Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời như sau:
Về điều chỉnh, bổ sung rõ trong Thông tư số 58 hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn và trường hợp áp dụng, quy trình thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm a khoản 6 Điều 129 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58 quy định chi tiết việc sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Theo đó, Thông tư số 58 chỉ bổ sung, hướng dẫn làm rõ một số nội dung của Luật Đấu thầu; đối với một số nội dung không quy định tại Thông tư số 58 sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, cụ thể:
Về hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, đề nghị căn cứ điều kiện áp dụng của các hình thức lựa chọn nhà thầu tại mục 1 (hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư) Chương II Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan để thực hiện.
Về trường hợp áp dụng, quy trình thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi, đề nghị căn cứ Điều 20 Luật Đấu thầu (các trường hợp áp dụng đấu thầu rộng rãi), Chương II (quy trình đấu thầu rộng rãi, hạn chế đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp, hỗn hợp theo phương thức một giai đoạn), Chương III (quy trình đấu thầu rộng rãi, hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn), Chương IV (quy trình đấu thầu rộng rãi, hạn chế đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp, hỗn hợp theo phương thức hai giai đoạn) Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện.
Về điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư 58 về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ cho phù hợp với thời điểm hiện tại, tính đến thời điểm hiện nay, Thông tư 58 được ban hành trên 6 năm.
Trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nội dung quy định tại Thông tư 58 được ban hành mới như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ- CP ngày 26.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu...
Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi Thông tư 58 trong đó có nội dung sửa đổi Điều 5 như kiến nghị của cử tri để đảm bảo đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn triển khai là cần thiết.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 58. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị của cử tri trong quá trình soạn thảo thông tư sửa đổi và sẽ gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn chỉnh trước khi ban hành.
Ngọc Diêu – Tâm Phạm