Các website và app cho vay xuất hiện tràn lan trên mạng internet.
Một đoạn tin nhắn khủng bố các đối tượng cho vay qua app gửi đến hiệu trưởng một trường học trên địa bàn thành phố Tây Ninh do giáo viên của trường này vay tiền qua app chưa trả.
MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO
Một phụ nữ lớn tuổi ngụ trên địa bàn thành phố Tây Ninh trình báo Công an về việc bà bị lừa một số tiền lớn. Theo đó, ngày 8.11.2021, bà bị một số đối tượng tự xưng là cán bộ Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và mua bán trái phép chất ma tuý” có liên quan đến số chứng minh nhân dân và số tài khoản ngân hàng mà bà đang sử dụng.
Các đối tượng đã đe doạ, yêu cầu bà chuyển hết số tiền ở các tài khoản ngân hàng khác về số tài khoản của Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Tây Ninh do bà đứng tên, yêu cầu cung cấp mã OTP để các đối tượng kiểm tra, xác định bà có liên quan đến vụ án này hay không.
Do sợ và muốn chứng minh việc không liên quan đến vụ án mà các đối tượng đã đưa ra nên bà đã thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo và đã bị các đối tượng rút chiếm đoạt số tiền lên tới 6,3 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh với phương thức, thủ đoạn tương tự như một số vụ khác đã được thông tin, cảnh báo khá nhiều trên báo chí và thông báo của cơ quan chức năng.
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về tình hình, giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X, Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hiện nay nổi lên tình trạng lừa đảo thông qua mạng viễn thông, internet với các phương thức thủ đoạn tinh vi như giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát đe doạ yêu cầu chuyển tiền; lừa truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng, quảng cáo cho vay tiền qua ứng dụng và mạng xã hội Zalo lừa bị hại chuyển nhiều khoản phí để làm hồ sơ rồi chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên bán hàng online; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội nhắn tin người thân bạn bè yêu cầu chuyển tiền; tham gia đầu tư trên các sàn tiền ảo đa cấp, sau nhiều lần nạp tiền, rút tiền thành công thì sàn đóng, không rút được tiền; thông báo trúng thưởng, yêu cầu nộp thuế để nhận thưởng… Từ đầu năm đến nay, Công an đã tiếp nhận 54 trường hợp người dân đến báo bị lừa đảo qua mạng internet, thiệt hại về tài sản lên tới 26,1 tỷ đồng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, con người chuyển dịch đời sống thực của mình lên không gian mạng nhiều hơn, từ đó các loại tội phạm công nghệ cao ngày càng nhiều. Tội phạm và tệ nạn cờ bạc sử dụng công nghệ cao như cá độ bóng đá, đá gà, số đề, đánh bạc qua mạng internet... đang có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Đặc biệt trong mùa World Cup đang diễn ra, tội phạm đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Theo tài liệu cảnh báo về phương thức thủ đoạn của tội phạm này, các đường dây cá độ bóng đá thường do những đối tượng hình sự, giới “anh chị” cầm đầu, móc nối với “nhà cái” quản lý các trang web cá độ bóng đá như M88.com, Fun88.com, Bong88.com… có máy chủ đặt tại nước ngoài để thiết lập chia nhỏ cho các chân rết tổ chức cá độ bóng đá trên không gian mạng tại Việt Nam, với nhiều hình thức quảng cáo, chào mời hấp dẫn, công khai bằng tiếng Việt.
Người chơi chỉ cần có các thiết bị kết nối internet, đăng ký tài khoản thành viên, có tài khoản cá nhân tại các ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản hoặc nạp tiền đánh bạc thông qua thẻ cào điện thoại, qua cổng trung gian thanh toán để tham gia cá cược. Nếu thua không có tiền thanh toán, người chơi có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền bằng cách bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê các đối tượng hình sự đòi nợ…
Ngoài ra, hoạt động tín dụng đen, cho vay truyền thống giảm nhưng hiện tượng cho vay lãi nặng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động tăng. Chủ yếu người từ các tỉnh khác đến địa phương đứng ra tổ chức cho vay rồi móc nối các đối tượng có tiền án, tiền sự ở địa phương để đi thu nợ.
Khi người vay nợ không có khả năng chi trả, các đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm, nước sơn, chất bẩn hoặc đăng thông tin sai sự thật xúc phạm họ trên mạng xã hội, điện thoại người thân trong gia đình, cơ quan để đe doạ buộc người vay trả tiền.
Nhiều trường hợp người dân vay qua ứng dụng khi bị các đối tượng khủng bố đã đến cơ quan Công an tố cáo nhưng rất khó xử lý, do các tài khoản ngân hàng mà người vay tiền chuyển đều là tài khoản không chính chủ, số tiền được chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, các tài khoản Facebook dùng để đòi nợ, bêu xấu hình ảnh người vay đều là tài khoản giả mạo.
TĂNG “SỨC ĐỀ KHÁNG” VỚI TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO
Giám đốc Công an tỉnh thừa nhận thực tế: “Đối với lực lượng chức năng, ở một góc độ nào đó của địa phương, chúng ta đi sau các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Những đối tượng lập trình phần mềm để điều hành cả một hệ thống quy mô toàn cầu thì đây là những đối tượng cực kỳ giỏi về công nghệ thông tin.
Trong khi đó, trình độ của cán bộ chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh còn thiếu nên khó khai thác, thu thập thông tin có giá trị để xử lý tội phạm.
Vừa qua, Công an tỉnh đề xuất Bộ Công an cho thành lập Phòng An ninh mạng, tuy nhiên, cơ sở vật chất còn thiếu, đang đề nghị Bộ cấp thêm. Hiện nay, tội phạm không gian mạng không chỉ lừa đảo mà còn bài bạc, đá gà, cá độ bóng đá... tuy nhiên để bắt và xử lý là cả một quá trình, chúng tôi đang cố gắng và sẽ có sự đầu tư nhiều hơn để công tác phòng, chống tội phạm này hiệu quả hơn”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay có thêm một thủ đoạn nữa đó là các đối tượng dùng trạm thu phát sóng di động (BTS) giả đặt trên ô tô chạy gần khu vực nào đó và phát sóng.
Như thế những điện thoại sử dụng tin nhắn 2G trước đây sẽ tự động để điện thoại nhận tin nhắn đó, chúng ta cứ nghĩ rằng của nhà mạng nhưng thật ra đây là những BTS giả. Tội phạm công nghệ cao nằm ở phạm vi toàn quốc, trên thế giới nên về phía tỉnh, ngành Thông tin - Truyền thông sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao “sức đề kháng” để người dân biết các thủ đoạn lừa đảo.
Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường biên soạn, thu thập các thông tin về những trang web giả mạo, những thông tin giả mạo, lừa đảo trên không gian mạng đăng tải công khai trên ứng dụng Tây Ninh Smart, cổng thông tin điện tử, gửi các cơ quan truyền thanh cơ sở để tăng cường tuyên truyền cho người dân.
Đối với ngành Công an, trong thời gian tới, Công an tỉnh cũng sẽ biên soạn tài liệu, chủ động phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân.
Phát động mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố nâng cao chất lượng các mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở, nhất là mô hình vận động toàn dân tích cực tham gia tố giác, truy bắt tội phạm, nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phát huy vai trò của Tổ hoà giải, kịp thời giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn ở cơ sở, hạn chế phát sinh tội phạm.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng internet, trong đó, đề xuất các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác thu thập, ghi nhận, lưu trữ dữ liệu điện tử; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ yêu cầu đấu tranh với tội phạm liên quan mạng internet, viễn thông.
Trong thời gian qua, lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, vận động người dân tích cực tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, do vậy, đến nay, các hoạt động này trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh. Năm 2022, Công an tỉnh đã bắt, khởi tố 10 vụ 21 bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản.
PHƯƠNG THÚY - TRÚC LY