Một người nghi mắc bệnh tâm thần trên địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (ảnh chụp ngày 12.9.2021).
Một cử tri ngụ phường 1, TP. Tây Ninh phản ánh, hàng chục năm nay ở hẻm số 16, đường Tua Hai (tổ 16, khu phố 3, phường 1) có một cụ già thuộc trường hợp đặc biệt khó khăn, sống tạm bợ trên đường hẻm.
Cử tri này cho biết, ông cụ tên Nguyễn Văn Hương, thường gọi là Út Hương, hơn 60 tuổi, không biết từ đâu đến trú ngụ ở đây. Những năm đầu mới về, ông cụ ngủ trên một chiếc giường tre nhỏ, đặt ven đường, không có mái che, dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm.
Ông cụ này cũng không có giấy tờ tuỳ thân. Hằng ngày, ông cụ nấu ăn, uống tại chỗ và đi vệ sinh bừa bãi xung quanh gây hôi thối, ô nhiễm môi trường. Buổi tối, ông thường xuyên la hét, nói lảm nhảm, gây khó chịu cho nhiều gia đình cư ngụ xung quanh.
Những năm gần đây, một số người dân địa phương cất cho ông một căn nhà tôn nhỏ tại nơi ông sinh sống trên đường, nhưng tình trạng gây mất vệ sinh vẫn còn xảy ra. Điều đáng lo ngại là tỉnh ta đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid- 19, nhưng ông cụ không chấp hành khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Cử tri cho biết: “Tôi đã trình báo sự việc với Trung tâm Y tế Thành phố và Đảng uỷ, UBND phường 1 nhưng đến nay vẫn không thấy giải quyết. Rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng xem xét, sớm đưa đối tượng này vào trại dưỡng lão hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh”.
Một người đàn ông có hành vi giống mắc bệnh tâm thần thường đi lang thang ở khu vực phường Hiệp Ninh (ảnh chụp ngày 28.8.2021)
Theo bà Lê Thị Thảo Hiền- Phó Chủ tịch UBND phường 1, TP. Tây Ninh, trước đây, ông Út Hương có gia đình, vợ con sinh sống tại khu đất này. Sau đó, vợ chồng ông Út Hương ly hôn. Con theo vợ ông đi làm ăn sinh sống nơi khác. Đất và nhà của ông Hương đã sang nhượng.
Từ năm 2017 đến nay, ông Hương che tạm mái lều, sinh sống một mình trong con hẻm nhỏ. Thời điểm đó, UBND phường 1 đã vận động ông đến Trung tâm Bảo trợ xã hội để được nuôi dưỡng, nhưng ông không chấp nhận và viết thư nói rõ, nếu chính quyền địa phương buộc phải đi nơi khác, ông sẽ tự tử.
Những năm sau này, người dân địa phương thấy hoàn cảnh ông đáng thương nên đã chung tay cất cho ông một căn nhà nhỏ lợp tôn, vách tôn có chiều ngang khoảng 1,5m, chiều dài hơn 2m tại hẻm.
Ban ngày, ông Hương ra nhà người cháu ngoài đầu hẻm tắm giặt, vệ sinh, tối về ngủ. Tuy nhiên, ông Hương có tật nghiện rượu. Buổi tối, ông Hương thường mua rượu uống một mình. Khi say xỉn, ông hay đạp chân vào vách tôn, gây tiếng động, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.
UBND phường 1 tiếp tục đến vận động ông đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh sinh sống nhưng ông vẫn kiên quyết không chấp nhận. UBND phường báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thành phố để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri phường Ninh Sơn, một cử tri cho biết, ông thường xuyên thấy một số người tâm thần đi lang thang trên đường, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. “Đối với những đối tượng tâm thần như thế này xử lý ra sao? Gọi điện thoại cho ai để giải quyết?”- cử tri thắc mắc.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri phường 3, một cử tri cũng đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng có biện pháp đưa những người tâm thần, ăn xin lang thang về một nơi tập trung để dễ quản lý, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
UBND Thành phố cho biết, để giải quyết vấn đề người tâm thần ăn xin, lang thang cơ nhỡ, thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn, UBND Thành phố đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND phường, xã tăng cường kiểm tra, rà soát người lang thang, tâm thần, ăn xin để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Đối với người lang thang, ăn xin có địa chỉ thường trú trên địa bàn thì thông báo cho gia đình, người thân đến bảo lãnh, chăm sóc, nuôi dưỡng, cam kết không để tái diễn tình trạng lang thang, ăn xin.
Những trường hợp là trẻ em mồ côi, người già cô đơn, tàn tật, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập, đời sống thật sự khó khăn, không thể sinh sống tại cộng đồng thì làm thủ tục đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Một người nghi bị mắc bệnh tâm thần đi lang thang ngoài đường, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh và gây tai nạn giao thông (ảnh chụp ngày 28.8.2021)
Chủ trương chung của tỉnh không để người tâm thần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ăn xin, lang thang ngoài đường. Trách nhiệm của hệ thống chính trị không để những đối tượng này đi lang thang như thế.
Nếu người dân phát hiện những trường hợp này thì thông báo về cho UBND xã, phường, thị trấn nơi có những đối tượng nêu trên. Những cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH đưa vào khu tạm thời dành cho người lang thang cơ nhỡ. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong quá trình xử lý những đối tượng này phải ứng xử văn minh, tôn trọng quyền con người.
Đại Dương