Mặc dù đã 82 tuổi đời nhưng bà vẫn minh mẫn, mắt sáng nhặt gạo chuẩn bị bữa cơm trưa.
Tham gia du kích xã Thanh Điền, Châu Thành, Tây Ninh từ năm 1965 đến tháng 6.1968, bà Nhì được biên chế vào Trung đội nữ pháo cối 82 ly. Bà Nhì cho biết, trung đội của bà có 20 nữ do bà Tô Thị Hoa (đã từ trần) làm Trung đội trưởng, bà cùng với bà Nguyễn Thị Xa được phân công làm Trung đội phó.
Sau hơn 1 tháng huấn luyện tại khu vực “Gò Cày”, nay thuộc xã Biên Giới, Châu Thành, trung đội nữ tập kết về khu vực ấp Xóm Mới, xã Trí Bình, Châu Thành. Tối ngày 22.8.1968, trung đội nữ của bà bắn 25 quả đạn pháo vào dinh quận Phước Ninh, gây hoang mang cho quân địch.
Theo “Lịch sử võ trang nhân dân huyện Châu Thành giai đoạn 1954-1975”, cuối năm 1965, quân Mỹ đã hoàn thành việc thiết lập căn cứ quân sự ở Trảng Lớn. Ý đồ của Mỹ là dùng căn cứ này làm trung tâm chỉ huy khống chế hành lang biên giới, làm bàn đạp mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Quân nguỵ có sự chỉ huy của cố vấn Mỹ liên tục tổ chức các cuộc hành quân càn quét trên khu vực Châu Thành.
Đi đôi với kế hoạch gom dân bình định, bọn Phi Luật Tân ngày ngày ủi phá địa hình làm đường cắt ngang, xẻ dọc vùng căn cứ của ta. Vùng Hảo Đước, Phước Vinh, Hoà Hội của huyện Châu Thành bị chất độc hoá học thiêu cháy, phi cơ ngày đánh phá, đêm cắt bom trộm, pháo kích của địch bắn bất thường xuyên không theo quy luật giờ giấc; bà con phải lấy đêm làm ngày.
Trước tình hình trên, ngày 4.3.1966 cuộc họp Ban Thường vụ Huyện đảng bộ Châu Thành tại căn cứ Hảo Đước bàn và thống nhất 2 vấn đề lớn là ban hành nghị quyết lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang huyện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hai là công bố quyết định thành lập Ban Chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn.
Căm thù trước cảnh quê hương bị quân xâm lược Mỹ đem bom đạn của chúng huỷ diệt tàn phá làng xóm, những cô gái trẻ khắp nơi trong tỉnh đã tình nguyện lên đường ra trận cùng với nam giới sát cánh chiến đấu giết giặc, trả thù nhà. Đội nữ pháo binh của Châu Thành được thành lập vào tháng 5.1968, những cô gái trẻ khi vào đơn vị đã cùng với đồng đội lội suối, qua bưng, băng rừng, vượt trảng, trên vai, trên lưng là nòng cối, đạn cối, bàn đế cối và quân tư trang…
Dù khó khăn, gian khổ nhưng khi nhắc đến những chiến công của các chị, mọi người đều rất mến thương, khâm phục. “Nhiều lần trung đội chúng tôi đã hướng dẫn đoàn pháo binh Miền vào sát căn cứ Trảng Lớn bất ngờ dùng hoả tiễn H12 bắn vào sào huyệt địch. Khi địch phản pháo, trung đội đã nhanh chóng dùng cối 82 nã vào trận địa pháo của địch, nhiều lần buộc pháo địch phải câm họng”- bà Nhì nhớ lại.
Đội nữ pháo binh huyện Châu Thành trong ngày thành lập (Ảnh tư liệu)
Tháng 7.1968, nhờ được du kích dẫn đường, được đồng bào che chở. Trung đội nữ pháo đã mang cối 82 ly vào ấp chiến lược Thái Bình A, giữa trưa bắn hàng chục quả đạn vào sân bay Trảng Lớn, làm hư một đoạn đường băng, làm cháy một máy bay trinh sát L19 của địch; đạn cối nổ làm cháy một bồn xăng, gây nhiều thương vong cho lính Mỹ.
Khi phát hiện được toạ độ nơi các chị đặt trận địa, địch dùng trực thăng tấn công cố ý tiêu diệt gọn đội nữ pháo binh. Nhưng các chị đã mưu trí tháo rời các bộ phận của pháo đưa xuống hầm (đã được chuẩn bị trước) nguỵ trang kín đáo và các chị cải trang thành các cô thôn nữ ra đồng cùng với bà con tưới rau, làm cỏ lúa nên quân địch không phát hiện đươc gì nghi vấn đành kéo quân về Trảng Lớn.
Bà Nhì nhớ lại: “Thời gian này, bom đạn Mỹ ngày đêm bắn phá ác liệt, đội nữ pháo binh của bà đã phối hợp yểm trợ cho lực lượng tập trung huyện, du kích xã đánh địch có hiệu quả. Hành quân liên tục, nhịn đói, nhịn khát, thiếu thốn trăm bề, nhưng lòng yêu nước, tình quê hương đã động viên các chị vượt lên khó khăn hạn chế của giới mình. Nhiều chị bị thương, đau bệnh, có người bị sốt rét rụng gần hết tóc, nhưng khi lành bệnh vẫn kiên cường bám đơn vị chiến đấu”.
Đội nữ pháo binh huyện Châu Thành mãi mãi đã đi vào lịch sử chiến đấu của nhân dân tỉnh Tây Ninh. Giải phóng miền Nam năm 1975, bà Nguyễn Thị Nhì phục viên, lập gia đình tại ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, Châu Thành, tham gia công tác phụ nữ ấp. Năm 1983, bà Nhì làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Điền và đến năm 1986 làm Chủ tịch Hội cho đến lúc nghỉ hưu, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4. Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, bà Nhì được Đảng và Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Ba, 7 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu 50 tuổi Đảng.
Tố Tuấn - Hà Quang