Lê Quan Nhựt (bên phải) tham gia thực hiện công trình thắp sáng đường tuần tra biên giới trên địa bàn huyện Bến Cầu (tháng 4.2020).
Cuộc điện thoại kết nối lúc 22 giờ khi người thanh niên trở về đơn vị tại quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh sau 1 ngày hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Giọng nói khá mệt mỏi nhưng Lê Quan Nhựt (sinh năm 1994), quê ở Tây Ninh vẫn nhiệt tình kể chúng tôi nghe về quá trình tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch suốt 3 tháng qua tại TP.Hồ Chí Minh.
Lê Quan Nhựt là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Xây dựng Ðảng và chính quyền Nhà nước của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh. Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh quyết định ở lại với mong muốn góp chút sức trẻ vì sự bình yên của thành phố nghĩa tình.
Nhựt sẵn sàng có mặt ở mọi nơi, làm nhiều việc từ hỗ trợ công tác tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine trong cộng đồng, phụ trách địa bàn cho đến việc giám sát F0, F1 thực hiện cách ly y tế tại nhà, hỗ trợ chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hộ nghèo, hộ cận nghèo, người mất việc làm, sinh viên chưa được về quê, hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống.
Theo lời Nhựt kể, công tác hỗ trợ bắt đầu từ sáng sớm đến tận đêm, luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Có những lúc 11, 12 giờ đêm, khi nhận được thông báo có ca F0 trong khu dân cư, anh vội khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Y tế, Công an, Quân sự tổ chức khoanh vùng, truy vết và điều tra dịch tễ.
Ðôi lúc gặp trường hợp phản ứng không tốt, nói chuyện nặng lời, anh cũng buồn nhưng thấy bà con đang trong trạng thái hoang mang nên không giận hờn. Tạm gác lại tất cả, anh chỉ nở nụ cười và nói: “Mọi người thông cảm, dịch giã phiền toái nhưng cố gắng bớt chút thời gian hỗ trợ tụi con truy vết, cũng vì mục tiêu chống dịch”. Lời động viên khiến không khí căng thẳng và thời gian chờ đợi trở nên dễ thở, mọi người đối xử với nhau nhẹ nhàng hơn.
Dịch bệnh diễn biến khó lường, dọc các tuyến đường, hàng quán cửa đóng then cài, mọi hoạt động mua bán phải dừng lại, nhường chỗ cho cuộc chiến cam go. Thấu hiểu được sự “thiếu trước, hụt sau” của người dân trong hoàn cảnh khó khăn này, người thanh niên trẻ tích cực phối hợp với địa phương, sắp xếp các loại nhu yếu phẩm lên xe đẩy, chuyển đến cho người nghèo, người thu nhập thấp tại địa phương.
“Chúng tôi đẩy xe thực phẩm đến từng khu vực phong toả, bà con ai cũng mừng. Lúc nhận quà, có người cảm động rưng rưng nước mắt, mọi người đứng xa về khoảng cách nhưng yêu thương lại rất gần. Có những ngày lượng công việc rất nhiều, tìm một chỗ ngồi thôi cũng khó. Cơm canh nguội ngắt, vậy mà ai cũng vội ăn. Ðây có lẽ sẽ là một phần trong góc nhớ của mỗi người”- Lê Quan Nhựt nói.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, Nhựt cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế tiếp xúc gần. Ðối với Nhựt, việc trở thành F1, F2 là quá đỗi bình thường, chấp nhận tham gia thì phải lường trước rủi ro.
Nhìn thấy cảnh người dân vui mừng được về nhà sau những ngày bị cách ly hay nghe tin các ổ dịch được kiểm soát, ca nhiễm giảm, kết quả xét nghiệm trong khu vực phong toả đều âm tính… là động lực để anh cố gắng vượt qua khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Vừa qua, có những chuyến xe đồng hương hỗ trợ về quê nhưng Nhựt kiên trì ở lại giúp đỡ bà con; đồng hành cùng các bạn sinh viên Tây Ninh đang học tập, làm việc ở TP.Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch.
Dù không thể trở về, anh vẫn tìm cách gửi gắm tình cảm, hướng trái tim về quê hương. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên Tây Ninh tại TP.Hồ Chí Minh, trực thuộc Ban Liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TP.Hồ Chí Minh, Nhựt quan tâm giúp đỡ các bạn sinh viên Tây Ninh đang học tập trên địa bàn.
Khi UBND tỉnh triển khai kế hoạch đưa người dân Tây Ninh ở TP. Hồ Chí Minh về quê, người thanh niên 9X tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các bạn sinh viên biết và đăng ký. Ðối với những trường hợp gặp khó khăn trong đại dịch, Câu lạc bộ sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ, tìm mọi cách để giúp đỡ các bạn sinh viên.
Thấy tình hình dịch ở TP.Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, mẹ của Nhựt ở Tây Ninh rất lo lắng, nhưng bà cũng ủng hộ con trai hết mình, nhắc nhở con chú ý giữ gìn sức khoẻ. “Khi nào hết dịch con sẽ về thăm nhà, mẹ thông cảm và nhớ giữ sức khoẻ. Con đi góp sức vì cộng đồng, sẽ về nhanh thôi”, đó là câu nói quen thuộc như một lời động viên của Nhựt mỗi khi kết thúc cuộc gọi với mẹ.
Ðược biết, năm 19 tuổi, Nhựt tình nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự, ra sức rèn luyện trong quá trình làm chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, nhiệt huyết trong các hoạt động phong trào Ðoàn và công tác thanh niên. Năm 2016, Ban Thường vụ Ðảng uỷ Công an tỉnh xem xét, ra quyết định kết nạp Lê Quan Nhựt vào Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Khi xuất ngũ về địa phương, anh tiếp tục làm việc tại Ban Chỉ huy Quân sự xã Long Thành Bắc (nay là phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành). Sau thời gian phấn đấu, Nhựt trở thành Phó Ðại đội trưởng Ðại đội Dân quân cơ động thị xã Hoà Thành.
Dù theo học nâng cao ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm, anh đều sắp xếp thời gian trở về địa phương phối hợp với liên ngành làm công tác dân vận; kết hợp huấn luyện lực lượng dân quân cơ động.
Chính tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó khăn, Lê Quan Nhựt được mọi người tin tưởng và yêu thương, vinh dự nhận 3 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, 1 bằng khen của Ban Chấp hành Ðoàn Thanh niên Cộng sản TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều khen thưởng khác.
Phương Thảo