Ông Nguyễn Văn Dũng - Thẩm phán TAND tối cao phát biểu tại hội nghị.
Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc đạt và vượt chỉ tiêu
Từ ngày 1.10.2021 - 30.9.2022, TAND hai cấp giải quyết 13.008/14.033 vụ, việc đã thụ lý các loại. Đối với giải quyết các vụ án hình sự, TAND hai cấp giải quyết 1.306 vụ/3.271 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,34%.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng pháp luật, không có án oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm đều được TAND hai cấp đưa ra xét xử kịp thời, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các tội có số lượng án nhiều trong năm 2022 như tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy 254 vụ/367 bị cáo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc 178 vụ/1/369 bị cáo; trộm cắp, tài sản, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản 168 vụ/269 bị cáo. Riêng đối các tội liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 có 13 vụ/29 bị cáo... Các loại tội phạm khác không có sự khác biệt so với các năm trước.
Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động (dân sự chung), Toà án hai cấp thụ lý 8.739 vụ việc; giải quyết 7.748 vụ việc (đạt 88,66%, so chỉ tiêu vượt 3,66%). Trong đó, án dân sự thụ lý 4.821 vụ việc, giải quyết 4.016 vụ việc; án hôn nhân và gia đình thụ lý 3.756 vụ, giải quyết 3.585 vụ; án kinh doanh thương mại thụ lý 121 vụ việc, giải quyết 108 vụ việc; án lao động thụ lý 41 vụ việc, giải quyết 39 vụ việc.
Tặng cờ thi đua của Chính phủ cho TAND huyện Dương Minh Châu.
Các vụ việc dân sự sau khi thụ lý vụ án được TAND hai cấp tăng cường hoà giải. Trong năm, có 2.678 vụ, việc được hoà giải thành theo tố tụng dân sự (đạt tỷ lệ 34,57%), tổng số vụ việc hoà giải thành được Toà án ra quyết định công nhận là 6.385 vụ, việc. Trong các tranh chấp về dân sự, các tranh chấp có số lượng án nhiều là tranh chấp về hợp đồng dân sự với 2.131 vụ việc; tranh chấp có liên quan đến đất đai có 1.134 vụ việc...
Chất lượng xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được bảo đảm, án bị huỷ do vi phạm thủ tục tố tụng, bỏ sót người tham gia tố tụng đã được khắc phục đáng kể, số án sơ thẩm của cấp huyện bị cấp phúc thẩm tỉnh hủy giảm; số án bị Toà án cấp cao huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm chủ yếu là huỷ về vấn đề đánh giá chứng cứ.
Từ khi Luật Hoà giải, đối thoại có hiệu lực đến nay, TAND hai cấp thành lập 10 trung tâm hòa giải đối thoại tại Toà án (1 trung tâm tại Toà án tỉnh và 9 trung tâm tại Toà án cấp huyện), bổ nhiệm 40 hoà giải viên.
Trong năm, có 11.317 đơn đơn đủ điều kiện tiến hành hoà giải, đối thoại, trong đó có 7.924 đơn người khởi kiện đồng ý hoà giải, đối thoại. Trong đó, rút đơn khởi kiện 968 vụ việc; không tiến hành hoà giải đối thoại được 1.081 vụ việc; hoà giải, đối thoại không thành 1.733 vụ việc; số đơn này chuyển qua thụ lý theo thủ tục tố tụng; hoà giải thành 3.711 vụ việc; số vụ còn lại đang giải quyết 671 vụ việc.
Trong năm, Toà án hai cấp giải quyết 78/90 vụ án hành chính (đạt 86,7%, vượt chỉ tiêu 21,7 %). Các vụ án hành chính đa số liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính về lĩnh vực quản lý đất đai và chủ yếu giải quyết sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân được TAND 2 cấp chú trọng. Cán bộ tiếp dân thực hiện đúng nguyên tắc công khai, dân chủ, giải thích rõ ràng không để phát sinh điểm nóng. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Năm 2022, TAND 2 cấp đã tiếp công dân 3.740 lượt (tỉnh 1.150, huyện 2.590); nhận và giải quyết 316 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (282 đơn khiếu nại, 34 đơn tố cáo)…
Cần quan tâm đến phát triển án lệ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng- Thẩm phán TAND tối cao đánh giá cao hoạt động của ngành Toà án Tây Ninh có nhiều chuyển biến đáng khích lệ, chất lượng công tác được nâng cao so với năm 2021.
Chỉ tiêu xét xử các loại án đều thực hiện xuất sắc; tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan của Toà án thấp. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án đạt kết quả rất cao.
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trong năm 2023, Thẩm phán TAND tối cao đề nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2023, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.
Các Tòa án địa phương cần tích cực, chủ động trong việc giới thiệu và áp dụng án lệ; theo yêu cầu của Chánh án TAND tối cao, mỗi tỉnh phải có ít nhất 1 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được Hội đồng Thẩm phán lựa chọn làm án lệ.
Thời gian qua, TAND tối cao đã đưa vào sử dụng 4 ứng dụng công nghệ thông tin mang tính đột phá như phần mềm trợ lý ảo, Trung tâm Giám sát và điều hành TAND, nền tảng xét xử trực tuyến, Trung tâm Tư liệu - Thư viện để giúp công tác quản lý, điều hành, xử lý công việc của các Toà án. Đây là một bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Toà án. Vì vậy, Chánh án TAND tỉnh phải bảo đảm tất cả thẩm phán TAND hai cấp phải sử dụng, tương tác, đóng góp ít nhất 1 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm trợ lý ảo.
TAND hai cấp cần quan tâm tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến, bảo đảm xét xử ít nhất 2 vụ việc đối với Toà án cấp huyện, 3 vụ việc đối với Toà án cấp tỉnh, trong đó ưu tiên xét xử các vụ án hành chính, hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tư pháp cần phối hợp tốt, chặt chẽ, kịp thời trong hoạt động của mình để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo của tỉnh theo dõi, chỉ đạo; chú trọng làm tốt công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo TAND tỉnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Dũng- Thẩm phán TAND tối cao; đồng thời nhấn mạnh trong năm 2023, TAND tỉnh sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa trên các mặt công tác, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tiếp tục đổi mới nội dung tranh tụng tại phiên toà theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng pháp luật.
Phấn đấu giải quyết, xét xử 100% các vụ, việc trong thời hạn luật định; nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án; hạn chế thấp nhất án bị huỷ, sửa, án quá hạn luật định; kiên quyết không xét xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Triển khai có hiệu quả 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của Chánh án TAND tối cao, Luật Hoà giải đối thoại tại Toà án.
Tặng bằng khen của Chánh án TAND tối cao cho các cá nhân.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, gia đình và người chưa thành niên. Hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội, TAND tối cao về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc.
Đồng thời, TAND hai cấp sẽ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật. Tích cực đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về phương thức và ý nghĩa của xét xử trực tuyến, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá trong công tác tổ chức cán bộ. Xây dựng công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức trong sáng và công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ.
Dịp này, TAND huyện Dương Minh Châu được nhận cờ thi đua của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua TAND năm 2022 cho 2 cá nhân, danh hiệu Thẩm phán giỏi năm 2022 cho 1 cá nhân và bằng khen cho 9 tập thể, 33 cá nhân được có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2022.
Thiên Di