Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Việc giải quyết tranh chấp di sản thừa kế tương đối phức tạp và nhạy cảm do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, để khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, trước hết cần xác định những ai có quyền hưởng di sản thừa kế. Theo quy định, có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Trong đó, người có quyền thừa kế theo di chúc là người được chỉ định trong di chúc để nhận phần di sản do người chết để lại. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Chia di sản thừa kế theo pháp luật trong những trường hợp không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế… (khoản 1, Ðiều 650, Bộ luật Dân sự 2015).
Người được hưởng thừa kế theo pháp luật cũng được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng. Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
“Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Người thừa kế được hưởng di sản bằng nhau. Dù pháp luật quy định cụ thể, nhưng trên thực tế, vẫn không ít trường hợp phát sinh tranh chấp tài sản do người mất không để lại di chúc”- vị luật sư này cho hay.
Đơn cử, vợ chồng ông Đ.V.U và bà V.T.D (ngụ huyện Gò Dầu) có 7 người con, trong đó có ông Đ.V.A (sinh năm 1962), bà Đ.T.D (sinh năm 1964), bà Đ.N.T (sinh năm 1976). Ngoài ra, ông bà không có con nuôi hay con riêng nào khác.
Khi còn sống ông bà có khai phá được 2 phần đất. Cụ thể, một diện tích 235,9 m2, hiện bà Đ.T.D quản lý 1/2 diện tích xây nhà ở, còn lại 1/2 diện tích có nhà thờ cha mẹ do các con quản lý chung.
Và một diện tích 4.478,3m2, hiện vợ chồng bà T quản lý sử dụng cất nhà ở và trồng cao su. Các diện tích đất trên do ông U và bà V.T.D đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện bà Đ.T.D đang giữ giấy. Trước khi chết, ông U và bà V.T.D chưa phân chia cho ai và không để lại di chúc. Nay ông A gửi đơn khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh chia thừa kế hai phần đất trên cho tất cả anh em của ông.
Tuy nhiên, bà Đ.T.D cho rằng, phần đất diện tích 235,9m2 có một phần bà đang quản lý (diện tích 99,5m2), còn lại diện tích 136,4 m2 trên đất có nhà của ông U và bà V.T.D (nhà thờ).
Việc ông U bà V.T.D tặng cho phần đất mà bà Đ.T. D đang quản lý chỉ nói miệng nhưng tất cả anh chị em trong gia đình đều biết. Bà chỉ yêu cầu chia phần đất có nhà cha mẹ, phần đất cha mẹ cho bà thì bà không đồng ý chia.
Còn đối với phần đất 4.478,3m2, bà T không đồng ý chia, vì đất này năm 2008 cha mẹ cho bà, việc tặng cho không có giấy tờ. Hiện trạng đất lúc đó cha bà đào ao nuôi cá. Quá trình sử dụng đất, vợ chồng bà T đã bỏ công san lấp ao, cải tạo đất bằng phẳng mới canh tác được.
Người dân nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.
Qua xét xử, TAND tỉnh đã giải quyết phân chia thừa kế như sau, do ông bà U chết không để di chúc nên diện tích 136,4m2 (nhà thờ) được giải quyết chia theo pháp luật cho 6 người con (bà D từ chối nhận di sản). Đối với phần đất diện tích 4.478,3m2 giải quyết chia làm 8 kỷ phần bằng nhau, trong đó chia bà T được hưởng 2 phần do có công gìn giữ, cải tạo đất, nuôi dưỡng cha mẹ, những người còn lại được hưởng 1 phần.
Một thẩm phán thuộc TAND TP.Tây Ninh chia sẻ, nguyên nhân có thể dẫn đến tranh chấp về chia thừa kế một phần là do phong tục tập quán, những bậc cha mẹ hoặc vợ chồng không có thói quen lập di chúc để lại tài sản cho nhau hoặc cho ai đó khi còn khoẻ mạnh, minh mẫn; việc phân chia tài sản không công bằng hoặc các hành vi vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của người quản lý tài sản, gây bức xúc, ức chế cho những người thừa kế khác…
Hậu quả nhiều vụ chia thừa kế đã dẫn đến việc chia cắt, ly gián tình cảm, anh em bất hoà, thậm chí không ít trường hợp cố ý gây thương tích, đâm giết nhau để tranh giành tài sản. Do đó, để hạn chế những tranh chấp phát sinh liên quan đến thừa kế, người dân nên nghiên cứu lập di chúc có phân chia tài sản cụ thể, rõ ràng cho từng người.
Như vậy, mới tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có phát sinh do người mất không để lại di chúc định đoạt tài sản. Ngoài ra, khi phát sinh tranh chấp chia thừa kế, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, chủ động can thiệp và có phương án hoà giải cho người dân.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người dân có quyền lập di chúc theo nhiều dạng như di chúc miệng; di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực; di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực.
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện như người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Thiên Di