Đáp:
Quyền tiếp cận thông tin của công dân là một quyền hợp pháp được quy định cụ thể tại Hiến pháp năm 2013. Điều 25 Hiến pháp quy định: công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 ghi nhận mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Những loại thông tin mà người dân được tiếp cận và không được tiếp cận quy định cụ thể tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 như sau:
Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ các nhóm thông tin thuộc bí mật nhà nước.
Công dân được tiếp cận thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh: được tiếp cận khi chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân: được tiếp cận khi cá nhân đó đồng ý.
Thông tin liên quan đến bí mật gia đình: được tiếp cận khi các thành viên gia đình đồng ý.
Theo quy định tại Điều 18, 19, 20, 21 Luật Tiếp cận thông tin 2016 các hình thức công khai thông tin như sau:
Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử: các thông tin được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử bao gồm văn bản quy phạm pháp luật; điều ước quốc tế; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước.
Thông tin hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách. Chương trình, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước. Thông tin về danh mục dự án, chương trình và kết quả thực hiện đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công...
Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng: cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Công khai bằng cách đăng công báo, niêm yết tại trụ sở: việc đăng công báo để công khai thông tin đến người dân phải được thực hiện theo quy định của pháp luật bao gồm công báo in và công báo điện tử.
Những thông tin công dân không được tiếp cận như:
Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.
Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của luật này.
Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Trường hợp sử dụng trái phép thông tin của người khác, tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính, xử lý hình sự hoặc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
LG. MAI TUẤN KIỆT