Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Đại diện theo uỷ quyền là ý chí của cá nhân, pháp nhân uỷ quyền cho bên kia là bên được uỷ quyền nhân danh và vì lợi ích của bên uỷ quyền để xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đã uỷ quyền.
Phạm vi uỷ quyền được xác định theo nội dung uỷ quyền đã thoả thuận trong hợp đồng uỷ quyền giữa bà và cháu của bà để thay mặt bà thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba, người đại diện theo uỷ quyền phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng uỷ quyền như sau: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Như vậy, việc uỷ quyền được xác lập thông qua hợp đồng uỷ quyền và phải có sự thoả thuận của hai bên.
Hợp đồng uỷ quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm các điều khoản cơ bản sau: thông tin của các bên; nội dung công việc, thời hạn uỷ quyền; quyền và nghĩa vụ của các bên; thù lao mà bên được uỷ quyền nhận được; cách giải quyết tranh chấp.
Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hạn uỷ quyền như sau: “Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền”.
Như vậy, xuất phát từ nguyên tắc tự do thoả thuận thì thời hạn hợp đồng uỷ quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.
Hợp đồng uỷ quyền được ký kết để phục vụ nhu cầu của bên uỷ quyền. Do đó, việc yêu cầu bên được uỷ quyền thực hiện các công việc cần thiết sẽ giúp bên uỷ quyền thực hiện được công việc của mình.
Điều 568 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên uỷ quyền như sau: “1. Yêu cầu bên được uỷ quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc uỷ quyền. 2. Yêu cầu bên được uỷ quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc uỷ quyền, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được uỷ quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này”.
LG. KIM HƯƠNG