Trao cờ lưu niệm cho các đội tham dự hội thi.
Ngày 28.7, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội thi Hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần thứ IV năm 2022. Đến dự lễ khai mạc hội thi có ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thi; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh; đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thi, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác hoà giải, một trong những yếu tố bảo đảm cho phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội. Ngày 20.6.2013, Quốc hội thông qua Luật Hoà giải ở cơ sở, đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần làm cho công tác hoà giải ở cơ sở phát huy hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp.
Tây Ninh hiện có 513 tổ hoà giải với 3.688 hoà giải viên. Tỷ lệ hoà giải thành ở cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2022 tại địa phương khá cao, cho thấy rằng các cấp, ngành đặc biệt quan tâm công tác hoà giải ở cơ sở và bản thân các hoà giải viên đã và đang phấn đấu, nỗ lực trong công tác hoà giải.
Để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở; giúp các hoà giải viên có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm qua đó nâng cao kiến thức và nghiệp vụ, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội thi Hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần thứ IV năm 2022.
Hội thi Hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần thứ IV có 9 đội tham gia, là lực lượng hoà giải viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi đội có 5 thành viên, tranh tài qua 4 phần thi gồm: tự giới thiệu, trắc nghiệm, xử lý tình huống và tiểu phẩm.
Nội dung thi chủ yếu xoay quanh Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như quyền sở hữu tài sản, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất tranh chấp...
Hội thi đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về tình người trong việc hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hằng ngày, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà, góp phần xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc.
Kết thúc hội thi, đội hoà giải viên đến từ huyện Bến Cầu đoạt giải Nhất; 2 giải Nhì thuộc về các đội hoà giải viên thành phố Tây Ninh và huyện Tân Biên. Đội hoà giải viên các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành và thị xã Hoà Thành đoạt giải Ba.
Phương Thảo