Qua 14 năm thực hiện luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở nước ta, nhiều vụ việc bạo lực gia đình gây ra hậu quả nghiêm trọng, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Người có hành vi bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới, chiếm khoảng 86% tổng số người có hành vi bạo lực gia đình, được xác định với vai trò là người chồng, người cha đối với con cái và người con của cha mẹ già.
Tiếp theo là phụ nữ với vai trò là người vợ, người mẹ, người con của cha mẹ già. Bên cạnh những nạn nhân vốn được coi là nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, thì trong những năm gần đây đã ghi nhận nam giới cũng phải chịu những hành vi bạo lực gia đình, chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực kinh tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại, nam giới cho rằng mình có quyền “dạy bảo” các thành viên yếu thế trong gia đình.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình xảy ra còn do sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể là từ phía người vợ và những đứa trẻ, tư tưởng “xấu chàng, hổ ai” khiến người vợ không dám nhờ giúp đỡ, hay quan điểm “đèn nhà ai nấy rạng” khiến cho hàng xóm láng giềng không can thiệp, hỗ trợ nạn nhân.
Ngoài ra, còn có thể kể đến các nguyên nhân khác dẫn đến bạo lực gia đình như: tình trạng nghiện rượu, ma tuý, các chất kích thích khác; nghiện game; con cái không có đủ sự kiên nhẫn trong quá trình chăm sóc cha mẹ già.
Bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều gia đình, thế hệ con cái đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi còn nhỏ họ đã chứng kiến. Bạo lực gia đình đang là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định người có hành vi bạo lực gia đình có nghĩa vụ tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực; chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối; bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định nạn nhân bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh, bí mật về thông tin khác và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nạn nhân bạo lực gia đình phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
Các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi luật là thật sự cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, đồng thời, bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Việc sửa đổi luật theo hướng phải khắc phục những vướng mắc, bất cập trong luật hiện hành và bổ sung những vấn đề mới phát sinh; tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội và vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình.
LG. Anh Tuyết