Ảnh minh hoạ
"Nhân bản" hành vi độc ác
Câu chuyện “bác sĩ Khoa” xảy ra cách đây hai ba tuần nhưng cho đến lúc này, không ai hay một công cụ nào có thể thống kê được có bao nhiêu bài viết, bình luận, ý kiến. Tính chất độc hại của câu chuyện thể hiện ở chi tiết nhân vật (tưởng tượng) bác sĩ lạnh lùng rút ống thở khỏi người mẹ của mình để cứu một người khác đang trong cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19.
Người “sáng tạo” ra câu chuyện đặt nhân vật của mình vào một tình huống vô cùng đặc biệt khi phải lựa chọn cứu ai giữa một bên là mẹ ruột và bên kia là người phụ nữ sắp sinh nở. “Ðộc tố” thông tin, tính chất man rợ nhất thể hiện rõ ở chi tiết này.
Sau cùng, “tác giả” đã để cho nhân vật của mình rút ống thở của mẹ nhằm cứu người khác. Ðặt giả thuyết câu chuyện có thật thì hành động anh ta rút ống thở của mẹ là gì? Ðây rõ ràng là một hành động nhẫn tâm, bất hiếu, vô đạo, bất lương đến mức không ai có thể tưởng tượng được.
Trong thực tế, cũng từng xảy ra trường hợp nghịch tử sát hại người thân sinh nhưng đó là hành vi của những kẻ “ngáo đá”, tức bị ảo giác bởi ma tuý. Còn ở đây, “bác sĩ Khoa” hoàn toàn tỉnh táo, thậm chí rút ống thở của mẹ xong còn đủ bình tĩnh để mổ cho người khác. Có thể nói, sự man rợ của câu chuyện đã được “tác giả” đẩy lên đến đỉnh điểm, một người có thần kinh bình thường không ai có thể hình dung được.
Không lâu sau khi tạo ra sự “rúng động” trong dư luận xã hội, nhiều người đã phát hiện nhiều chi tiết vô lý của câu chuyện. Sự việc nhanh chóng được khẳng định là không có thật. Diễn biến mới nhất cho thấy, thông tin bịa đặt trong câu chuyện không chỉ thuần tuý để thu hút người đọc, giật gân câu khách như thường thấy.
Nhóm người dựng đứng câu chuyện này có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến huy động tiền của “bá tánh” để làm giàu bất chính dưới vỏ bọc từ thiện. Diễn biến mới nhất cũng cho thấy, câu chuyện “bác sĩ Khoa” chưa kết thúc. Không có gì ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời nào đó, Công an gõ cửa những kẻ táng tận lương tâm đã bịa ra câu chuyện đen tối làm chấn động dư luận cả trong và ngoài nước.
Câu chuyện hoang đường nêu trên còn có một điều không thể không suy nghĩ: hành vi, việc làm bất nhân, bất hiếu, vô đạo của nhân vật- vị bác sĩ lại được một số người tỏ lòng “trân trọng, cảm phục”. Trong số đó, có không ít người đang hoặc từng làm trong nghề báo.
Ngay sau khi câu chuyện xuất hiện trên mạng, một số người thuộc giới báo chí, truyền thông tỏ thái độ “trân trọng” trước hành vi của “bác sĩ Khoa”. Có những bài viết, những dòng trạng thái thống thiết kiểu như “chúng tôi nợ anh một mạng sống, chúng tôi nợ anh một cuộc đời”.
Những cây bút được coi là có nghề, thậm chí lão luyện trong làng báo không chỉ lấy được nước mắt của nhiều người, họ còn tạo ra sự xung đột cảm xúc trong chính mỗi con người khi tiếp nhận nội dung câu chuyện.
Trớ trêu ở chỗ, trong số những cây bút “bị tai nạn nghề nghiệp” đó, có người đang đứng đầu một tập đoàn truyền thông, từng đứng đầu một tờ báo vào loại lớn nhất nước suốt hàng chục năm. Có trường hợp đang lãnh đạo một tờ báo, kết hợp đi dạy cho sinh viên báo chí.
Không ai không mắc sai lầm, chỉ những người không làm gì mới không sai. Có những cái sai, những tai nạn nghề nghiệp hay sinh nghề tử nghiệp, hoàn toàn có thể cảm thông. Nhưng, ở đây họ, trong một khoảnh khắc thiếu tỉnh táo, để cảm xúc chi phối dẫn đến sai lầm.
Việc làm đó, ở một góc nhìn khác, còn gây hậu quả tai hại hơn nhóm người dựng lên một câu chuyện không có thật. Nói cách khác, thông qua bài viết, ý kiến của cá nhân, những người “khâm phục bác sĩ Khoa” đã nhân bản cái ác lên nhiều lần, bởi sự lan toả của thông tin.
Lấy hiện tượng làm bản chất
Nóng nhất trong những ngày gần đây là biến cố xảy ra ở một quốc gia thuộc vùng Tây Nam Á. Không phải mới đây, quốc gia này đã chìm trong bạo lực, bất ổn, xung đột từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay. Sự bất ổn, xung đột đó có cả yếu tố nước ngoài, cả nguyên nhân nội tại ở trong nước, trong đó có sự tranh giành giữa các thị tộc, bộ lạc với nhau.
Sự bất ổn triền miên đã biến quốc gia này trở thành “miền đất hứa” của một số tổ chức cực đoan mang màu sắc tôn giáo. Các thế lực thay nhau tranh quyền đoạt lợi. Các cường quốc đem quân vào để “khôi phục trật tự, ổn định tình hình” nhưng họ lần lượt thất bại.
Nhân sự kiện này, trên các trang mạng, đặc biệt là một số cơ quan truyền thông phát bằng tiếng Việt (đặt ở nước ngoài) đã so sánh cuộc chiến ở quốc gia này với cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của nhân dân Việt Nam.
Họ so sánh lực lượng cực đoan vừa lên nắm quyền ở quốc gia Tây Nam Á với quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Ðộc tố” trong thông tin càng đậm đặc hơn khi họ ví cuộc kháng chiến để thống nhất đất nước, thu non sông về một mối với hành động tàn sát nhau giữa các nhóm người ở quốc gia kể trên.
Vin vào một số sự kiện, hình ảnh, mốc thời gian, từ đó, họ so sánh, liên tưởng đến cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Ở đây, có một điều cần nói rõ, sòng phẳng với nhau: đem hai đất nước, hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau ra để so sánh, những người này đã sa vào chủ nghĩa hình thức.
Diễn đạt khác đi, họ đã lấy hiện tượng làm bản chất. Ðó là một sự đánh tráo nguy hiểm. Bởi vì sự đánh tráo, đánh đồng này đã khiến nhiều người ngộ nhận, trong đó có thanh thiếu niên. Không khó để chứng minh điều này, nếu theo dõi thông tin trên không gian mạng trong mấy ngày gần đây. Thậm chí trên mạng, có người còn chế ra, nhại lại bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” - một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng thành "Mùa xuân trên thành phố Kabul”.
Những ai đã học phổ thông không thể không biết, trải qua bao cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp của các tầng lớp nhân dân giành quyền độc lập nhưng bất thành. Mãi cho đến một ngày, giữa “tháng tám trời thu xanh thẳm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào, trước thế giới rằng, Việt Nam đã độc lập, nhân dân Việt Nam hoàn toàn có quyền hưởng quyền tự do độc lập.
Sau đó, bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử của đất nước được ban bố. Tính chính danh của chính thể mới hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. Như sinh thời, có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời báo giới phương Tây “Chúng tôi yêu nước Pháp nhưng chúng tôi không muốn làm nô lệ”.
Tiếp theo, cuộc kháng chiến chín năm, mở đầu ở Nam bộ, “Mùa thu này ngày hăm ba...” cho đến cuộc hoà đàm ở Paris, dân tộc Việt Nam đã phải đi một chặng đường đầy hy sinh, gian khổ để giành quyền dân tộc tự quyết.
Cái quyền ấy là một truyền thống có từ hàng ngàn năm nay chứ không phải “Cộng sản Việt Nam thích chiến tranh” như nhiều người “cố ý làm trái, bẻ lái” bản chất của vấn đề. Cách đây ít ngày, VTV4, kênh thông tin đối ngoại của Ðài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim tài liệu có thời lượng 53 phút về quá trình dẫn đến hiệp định Paris, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Ðây là một bộ phim tài liệu chân thực, khách quan chứ không phải tuyên truyền một chiều theo kiểu “nói lấy được”. Nhóm làm phim đã rất kỳ công khi sưu tầm được băng ghi âm nguyên văn lời nói của các nhân vật trong cuộc đấu trí giữa hai bên.
Trong phim có chi tiết, cố vấn an ninh quốc gia, ngoại trưởng của nước Mỹ lúc đó đặt ra điều kiện, quân đội Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam với điều kiện, “Bắc Việt” cũng làm điều tương tự.
Ngay tức khắc, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam dân chủ cộng hoà trả lời ông cố vấn của chính phủ Hoa Kỳ bằng một câu vừa lịch thiệp, vừa giàu tính biểu cảm vừa không kém phần trí tuệ: “Kìa, ông cố vấn, chúng tôi đang ở trên đất nước chúng tôi”! Câu này được sách giáo khoa “diễn nôm” lại rằng, các ông không được đánh đồng kẻ đi xâm lược với người chống xâm lược.
“Họ đã bỏ chạy khỏi quê hương của họ vì sự hèn nhát. Giờ đây họ lại muốn trả thù kẻ chiến thắng bằng cách hy sinh lợi ích của Mỹ? Có vẻ họ không tự nhận thức được thân phận họ”. Ðoạn văn trong ngoặc kép là của Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton phát biểu khi một số người Việt cực đoan ở Mỹ phản đối quyết định của tổng thống bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, năm 1994.
Xung quanh câu chuyện này còn nhiều điều để bàn nhưng qua đây chỉ góp ý, cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin và đánh giá thông tin, đặc biệt trong môi trường mạng.
Việt Ðông