Chỉ còn vài ngày nữa, AFF Cup (Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á) sẽ chính thức khởi tranh trên đất Singapore. Vốn dĩ đây là sự kiện của năm 2020, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 mà bị hoãn lại một năm. Hơn bao giờ hết, người hâm mộ đang rất háo hức đợi xem màn trình diễn của thầy trò ông Park Hang-seo tại sân chơi này.
Trong vòng 3 năm qua, đội tuyển Việt Nam đã có những bước tiến và thay đổi. Chúng ta thành công với việc lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và cũng là đội duy nhất trong khu vực làm được điều này.
Nhờ vậy, tuyển Việt Nam có cơ hội thi đấu thường xuyên với các đội bóng hàng đầu châu lục, cũng như có nhiều thời gian gắn bó, rèn luyện thể lực và chuẩn bị chu đáo cho AFF Cup sắp tới. Trong khi đó, các đối thủ ở Đông Nam Á lại không có nhiều sự cọ xát thời gian qua. Các trận đấu giao hữu quốc tế của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chất lượng của “quân xanh” cũng không quá vượt trội.
Kinh nghiệm thực chiến là điều giúp các học trò của HLV Park Hang-seo trưởng thành hơn. Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó. Những trận cầu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 chính là cơ sở để các đối thủ có thể tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hơn về lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Song, Việt Nam lại không nắm quá rõ thông tin của họ trong thời gian qua. Và nếu không có nhiều thay đổi về mặt chiến thuật, chúng ta sẽ rất dễ bị bắt bài.
Bên cạnh đó, việc không có được cảm giác chiến thắng ở các trận gần đây khiến các tuyển thủ ít nhiều mang tâm lý nặng nề. Điểm tích cực mà các thất bại liên tiếp mang đến là giúp các chân sút biết trình độ của họ đang ở đâu để luôn giữ đôi chân trên mặt đất và không tự mãn khi trở lại “ao làng”.
Bước vào giải đấu năm nay với tư cách là nhà đương kim vô địch, chúng ta đặt mục tiêu lọt vào trận chung kết và bảo vệ ngôi vị. Điều này cũng vô tình tạo ra sức ép về thành tích và dĩ nhiên, các đội bóng khác đều rất quyết tâm hạ bệ tuyển Việt Nam. Khó khăn với thầy trò ông Park càng tăng lên gấp bội.
Trên bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển Việt Nam vẫn nằm trong tốp 100 thế giới, liên tục dẫn đầu Đông Nam Á và bỏ khá xa Thái Lan, Philippines hay Malaysia... Mặc dù vậy, đó chỉ là thông số mang tính chất tham khảo.
Thực tế, khoảng cách về trình độ của các đội bóng trong khu vực đã được thu hẹp đi rất nhiều. Chúng ta cũng biết rằng, đội tuyển nam Việt Nam chưa bao giờ vô địch hai lần liên tiếp ở đấu trường AFF Cup. Vỏn vẹn chỉ mới hai lần giành chức vô địch vào các năm 2008 và 2018, vì vậy, người hâm mộ càng có lý do để hồi hộp.
So với đội hình vô địch năm 2018, năm nay, tuyển Việt Nam đã chia tay vài trụ cột như tiền đạo Anh Đức, thủ môn Đặng Văn Lâm, hậu vệ Đoàn Văn Hậu, tiền vệ Hùng Dũng, Trọng Hoàng... vì chấn thương và tuổi tác. Ngoài ra, do các giải quốc nội không thể diễn ra trọn vẹn trong năm 2021 nên một số cầu thủ còn lại vẫn chưa đạt được phong độ cao nhất.
Một tín hiệu tốt là người hâm mộ vẫn luôn tin tưởng, kỳ vọng vào các “chiến binh sao vàng”. Hy vọng rằng, ở kỳ AFF Cup tới đây, đội tuyển Việt Nam tiếp tục thể hiện những màn trình diễn tuyệt vời, ban huấn luyện sẽ có những biến hoá nhằm phát huy tối đa sức mạnh và khắc phục những khuyết điểm đang tồn tại. Để hàng triệu trái tim Việt Nam có cơ hội được thưởng thức những “bữa tiệc” bóng đá mãn nhãn cùng với niềm vui sướng, tự hào trào dâng.
Kim Anh