Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Nhà vô địch châu Á đối diện nguy cơ mất suất FIFA World Cup 2026

Thứ sáu - 22/11/2024 22:38
Sau màn ra mắt FIFA World Cup 2022 với tư cách nước chủ nhà, Qatar luôn đặt mục tiêu quay trở lại sân khấu lớn bằng chính thực lực của mình, nhưng họ đang chững lại một cách đáng lo ngại.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau màn ra mắt FIFA World Cup 2022 với tư cách nước chủ nhà, Qatar luôn đặt mục tiêu quay trở lại sân khấu lớn bằng chính thực lực của mình, nhưng họ đang chững lại một cách đáng lo ngại.

Với việc giải đấu FIFA World Cup mở rộng lên 48 đội vào năm 2026 và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) được phân bổ 8 suất trực tiếp, cơ hội dường như sáng sủa hơn bao giờ hết cho các đội bóng lớn ở châu lục. Thêm vào đó, Qatar đang là nhà vô địch Asian Cup hai kỳ liên tiếp (2019 và 2023), tạo thêm cơ sở để tin tưởng vào khả năng của họ.

Nhưng thực tế đang dội một gáo nước lạnh vào tham vọng này. Sau 6 lượt trận của vòng loại thứ ba khu vực châu Á, Qatar hiện chỉ đứng thứ 4 tại bảng A với vỏn vẹn 7 điểm, kém 3 điểm so với UAE (hạng ba) và 6 điểm so với Uzbekistan (hạng nhì) - vị trí đủ điều kiện vào thẳng vòng chung kết FIFA World Cup.

Đáng chú ý hơn, Qatar sở hữu hàng thủ tệ nhất trong số 18 đội dự vòng loại này, khi để thủng lưới tới 17 bàn, bao gồm thất bại muối mặt 0-5 trước UAE. Thành tích này càng đáng báo động khi những đối thủ cạnh tranh chính như Uzbekistan và UAE, dù không hề yếu, vẫn bị đánh giá thấp hơn Qatar "trên giấy tờ". Tệ hơn nữa, Qatar từng bị cầm hòa 2-2 bởi Triều Tiên - đội chơi với 10 người trong hơn 60 phút, và cần tới bàn thắng muộn ở phút 112 mới vượt qua Uzbekistan với tỷ số 3-2. Nó khiến cho đường đi đến FIFA World Cup của họ càng mờ mịt.

Qatar may mắn qua mặt Uzbekistan nhưng đường đi đến FIFA World Cup 2026 còn lắm gian nan. Ảnh: GETTY.

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân sa sút của Qatar là bởi họ đang gánh chịu hậu quả của việc thiếu đầu tư dài hạn, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Đội hình vô địch Asian Cup 2019 từng rất trẻ và hiện tại vẫn còn trụ cột như Akram Afif (28 tuổi), Almoez Ali (28 tuổi) hay Bassam Al-Rawi (26 tuổi). Nhiều tài năng trẻ khác như Jassem Gaber (25 tuổi) hay Ibrahim Al-Hassan (19 tuổi) cũng đang dần khẳng định mình.

Tuy nhiên, sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo từ Felix Sanchez sang Marquez lại đang khiến Qatar lạc lối. Ông thầy người Tây Ban Nha liên tục thay đổi sơ đồ chiến thuật, từ 5-3-2, 4-3-3 tới 4-4-2, mà chưa tìm ra công thức tối ưu. Sự bất ổn này làm giảm hiệu quả của những cầu thủ ngôi sao như Afif, người bị điều chuyển qua nhiều vị trí khác nhau, từ số 10, tiền đạo cắm tới cánh trái.

Đội trưởng Afif chơi bóng ngẫu hứng mà thiếu tư chất thủ lĩnh. Ảnh: GETTY.

Ngoài vấn đề chiến thuật, Qatar cũng đối mặt với bài toán thủ lĩnh. Việc các cựu binh như Hassan Al-Haydos hay Abdelkarim Hassan dần rút lui tạo ra khoảng trống lớn cả trong lối chơi lẫn phòng thay đồ. Mặc dù Afif xứng đáng kế nhiệm băng đội trưởng, anh thiên về tạo cảm hứng bằng tài năng hơn là khích lệ tinh thần toàn đội.

Chỉ còn 4 trận đấu nữa để Qatar tự cứu mình, với mục tiêu trước mắt là kết thúc trong tốp 4 để giành vé dự vòng play off. Nhưng để làm được điều đó, họ cần nhanh chóng ổn định đội hình, cải thiện hàng thủ và tìm lại sự tự tin vốn có. Dù đang đối mặt với thời kỳ chuyển giao đầy thử thách, Qatar vẫn còn cơ hội sửa sai và tiếp tục hành trình đến FIFA World Cup 2026. Nhưng giờ đây, họ không được phép mắc thêm bất kỳ sai lầm nào nữa.

Nguồn PLO

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp