Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Paralympic và phong trào WeThe15

Thứ hai - 30/08/2021 18:11
BTN - Dù không thể so sánh với Olympic về độ hấp dẫn nhưng Paralympic lại là “sân khấu” của những tấm gương giàu nghị lực, những con người đã vượt qua được nghịch cảnh để khẳng định năng lực của bản thân.

Thế vận hội dành cho người khuyết tật- Paralympic Tokyo 2020 vẫn đang diễn ra tại Nhật Bản. Cũng giống như Olympic, sự kiện này đã bị hoãn lại một năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù không thể so sánh với Olympic về độ hấp dẫn nhưng Paralympic lại là “sân khấu” của những tấm gương giàu nghị lực, những con người đã vượt qua được nghịch cảnh để khẳng định năng lực của bản thân.

Câu chuyện vượt khó của Lê Văn Công

Khai mạc từ ngày 24.8 nhưng Paralympic không thu hút nhiều khán giả và truyền thông. Mọi thứ diễn ra khá thầm lặng, cho đến khi lực sĩ Lê Văn Công mang về tấm huy chương bạc (HCB) môn cử tạ hạng cân dưới 49kg cho đoàn Việt Nam.

Ðáng tiếc rằng, thành tích của anh và người giành huy chương vàng (HCV) là ngang bằng nhau, nhưng đô cử Việt Nam có trọng lượng cơ thể nặng hơn đối thủ chỉ 100g nên đành xếp ở vị trí thứ hai. Mặc dù vậy, tấm HCB của anh vẫn được xem là quý như vàng.

Lê Văn Công chính là vận động viên đang nắm giữ kỷ lục thế giới, anh từng giành HCV ở Paralympic Rio de Janeiro 2016 và cũng là người đầu tiên trong lịch sử giành vàng cho Việt Nam ở một kỳ Paralympic. Thế nhưng, ít ai biết rằng, năm 2018, anh không may bị ngã cầu thang và gặp chấn thương nặng ở vai.

Ðến cuối năm 2020, sau thời gian ròng rã tập trung chữa trị anh mới có thể trở lại tập nhẹ. Ðầu năm 2021, VÐV 37 tuổi lại bị viêm khớp, phù tuỷ và chỉ có thể tập luyện cho Paralympic trong vòng 3 tuần trước ngày khởi tranh. Tưởng chừng chỉ tham gia cho đủ số lượng, nhưng “siêu nhân” Lê Văn Công đã nén nỗi đau để có thể thực hiện thành công cả 3 mức tạ. Tuy không bảo vệ được tấm HCV, nhưng những nỗ lực của anh đã làm nức lòng ban huấn luyện và người hâm mộ.

Hẳn nhiều người cũng biết, sau rất nhiều thử thách, Lê Văn Công chưa bao giờ chịu đầu hàng trước số phận. Bị teo cơ bẩm sinh, không có được một đôi chân lành lặn như bao người, vậy mà anh đã nhiều lần tạo nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam. Trong quá khứ, cũng không ít lần anh bị tai nạn dẫn đến phải nghỉ tập dài hạn.

Cuộc sống vất vả, gia cảnh lại vô cùng khó khăn, nhưng bộ sưu tập huy chương của anh ở các giải đấu quốc tế chắc phải đựng bằng... rổ. Ðã vậy, năm 2019, anh còn bán đấu giá chiếc HCV vô địch thế giới để lấy tiền hỗ trợ cho một nữ sinh gần nhà bị ung thư gan. Bởi hơn ai hết, anh rất đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn và muốn truyền thêm động lực cho những ai có cùng hoàn cảnh như mình.

Liều thuốc giảm đau cho sự công bằng

Ðiểm nhấn của Paralympic lần này chính là đợt phát động chính thức của WeThe15 - phong trào đấu tranh cho quyền lợi của những người khuyết tật trên toàn thế giới. Con số 15 cũng là tượng trưng cho tỷ lệ 15% dân số toàn cầu gặp phải những khiếm khuyết cơ thể. WeThe15 vừa được thành lập cách đây vài tháng bởi Uỷ ban Paralympic quốc tế và hàng chục tổ chức khác liên quan đến người khuyết tật.

Mục tiêu của phong trào này là trở thành phong trào quyền con người lớn nhất từ trước đến nay, nâng cao nhận thức về tình trạng phân biệt đối xử, đồng thời tạo thêm nhiều quyền bình đẳng cho người khuyết tật và mở ra những cơ hội giáo dục, nghề nghiệp cho họ trong mọi lĩnh vực.

Người được chọn làm đại sứ của WeThe 15 là Ellie Cole- VÐV quốc tịch Úc được mệnh danh “rái cá một chân”. Không những nhiều lần giành HCV ở đường đua xanh, mà cô gái 29 tuổi còn tranh tài ở bộ môn bóng rổ xe lăn. Ngoài ra, Paralympic Tokyo 2020 còn có sự góp mặt của hơn 4.000 VÐV khác.

Trong đó có nhiều cái tên là biểu tượng cho sự chiến đấu vì công bằng của người khuyết tật. Ðiển hình như Natalia Partyka hay Melissa Tapper- hai nữ VÐV môn bóng bàn vừa chinh chiến ở cả Paralympic và Olympic. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên vì điều này, nhưng họ đều là những huyền thoại của thể thao thế giới và xuất sắc đến mức đạt chuẩn tham dự Thế vận hội để cạnh tranh sòng phẳng với những người khoẻ mạnh bình thường.

Người ta ví rằng, Paralympic chính là liều thuốc giảm đau cho vấn đề công bằng. Nếu Olympic là nơi tạo ra người hùng thì sân chơi Paralympic lại là điểm đến của các “siêu anh hùng”- một VÐV khuyết tật đã nói như thế trong bộ phim tài liệu được sản xuất năm 2020 mang tên “Phượng hoàng tung bay: Tinh thần Paralympic”. Bởi vì, sự hiện diện của họ đã là điều kỳ diệu rồi. Ðó là chưa kể những nỗ lực hoà nhập cộng đồng lại càng đáng nể phục hơn.

Thế mới thấy, Paralympic chính là nơi tôn vinh những gương mặt truyền cảm hứng, thể hiện rõ một trong những tinh thần của WeThe15: “Người khuyết tật không cần sự thương hại, họ cần được tôn trọng”. So với một VÐV bình thường thì một VÐV khuyết tật chắc chắn sẽ phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.

Như cách VÐV đấu kiếm Beatrice Vio từng phát biểu: “Tôi là phượng hoàng tung bay. Vì phượng hoàng có thể sống rồi chết, bốc cháy và tái sinh”. Ðáng nói, VÐV người Ý mất cả tứ chi vì căn bệnh viêm màng não nhưng cô vẫn không ngừng vươn lên, để rồi trở thành một hiện thân sống cho Thần Vệ Nữ thành Milo.

Dẫu sao, Paralympic vẫn luôn đầy tính nhân văn, mang đến cho chúng ta những khoảnh khắc giàu cảm xúc và bài học về ý chí trong cuộc sống. Và họ- những VÐV người khuyết tật xứng đáng nhận được nhiều hơn nữa tình yêu thương từ tất cả mọi người. Vì thế, xin đừng quên rằng, ngọn đuốc Paralympic đang rực sáng ở đất nước mặt trời mọc, và sẽ còn cháy mãi trong những trái tim chuộng công lý.

K.A

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp