Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

APEC cần đầu tư cho tương lai 

Thứ sáu - 12/11/2021 14:28
Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu

Ngày 11-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2021 và Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021 có sự tham dự của khoảng 4.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Úc, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Peru, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Đức… là những khách mời danh dự của hội nghị năm nay.

Hội nghị gồm 9 phiên thảo luận về các chủ đề: Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; Tương lai năng lượng; Phục hồi trong và sau đại dịch Covid-19; Các cơ hội từ gián đoạn kỹ thuật số; Tình hình thế giới; Sức mạnh của niềm tin; Ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới; Công nghệ và đổi mới sáng tạo và Hướng tới tương lai. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được mời phát biểu chính, định hướng cho thảo luận tại phiên đầu tiên của Hội nghị về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 đề xuất đến cộng đồng doanh nghiệp APEC: Mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải; cần đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới với "giá trị xanh" ngày càng cao; ABAC nên xây dựng "Bộ hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh bền vững APEC", với trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021 Ảnh: Bộ Ngoại giao

Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cũng xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ xanh; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển các doanh nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, các khu công nghiệp sinh thái...

Trong khi đó, Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với ABAC có chủ đề "Con người, Trái đất và Sự thịnh vượng", tập trung vào 2 nội dung lớn: Những ưu tiên quan trọng để chấm dứt khủng hoảng y tế và tái thiết nền kinh tế - thương mại khu vực; các giải pháp hỗ trợ nhóm đối tượng dễ tổn thương, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức về bao trùm và bền vững. Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước những khó khăn và thách thức to lớn chưa từng có mà thế giới đang đối mặt, các nền kinh tế cần có cách tiếp cận tổng thể, đột phá, mạnh mẽ, mà trong đó nỗ lực tự cường ở mỗi nền kinh tế và hợp tác khu vực, toàn cầu cần phát huy tác động tương hỗ.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh, tiếp cận tổng thể, lồng ghép các kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế trong điều kiện "bình thường mới" với chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. Theo Chủ tịch nước, những mục tiêu tham vọng của các nền kinh tế APEC về phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu,... chỉ có thể trở thành hiện thực khi cộng đồng doanh nghiệp APEC chung tay thực hiện sáng tạo, hiệu quả lộ trình cắt giảm khí thải, tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ mới và hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng xanh. 

Hướng đến phục hồi kinh tế ổn định

Trong thông điệp được phát tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thoát khỏi cái bóng của đại dịch Covid-19 để hướng đến phục hồi kinh tế ổn định là nhiệm vụ cấp bách nhất của khu vực và các nước cần thu hẹp khoảng cách về tiêm chủng. Về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ đạt được các mục tiêu trung hòa carbon trong khung thời gian đã đề ra và nỗ lực cắt giảm carbon sẽ cần nguồn đầu tư lớn.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp APEC đồng lòng giúp thế giới đạt trạng thái trung hòa carbon, trong lúc cảnh báo rằng tương lai của nhân loại phụ thuộc vào hành động của ngày hôm nay. "Không thể tiếp tục xem than đá và dầu mỏ là các nguồn năng lượng. Chúng ta phải dẫn đầu công cuộc chuyển đổi lớn để đưa nền văn minh đến những giải pháp năng lượng mới" - ông Moon Jae-in khẳng định, đồng thời nhấn mạnh các mục tiêu trung hòa carbon và chống biển đổi khí hậu chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay của mọi người, không chỉ riêng chính phủ và doanh nghiệp.

Về phần mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hối thúc các nền kinh tế APEC hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số khi cho rằng điều này sẽ giúp doanh nghiệp kết nối xuyên biên giới dễ dàng hơn và tiếp cận thị trường mới trong nền kinh số. Để tăng cường hợp tác trong nền kinh tế số, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định các thành viên APEC cần hướng đến một thỏa thuận kinh tế hoặc một thỏa thuận đối tác số của khu vực.

Cao Lực

Nguồn NLDO

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp