Phiên hợp trong Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức liên quan để tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật; tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến, tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh, về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh làm căn cứ để thiết kế một mục riêng về "các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh" tại Chương X.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và sắp xếp lại thứ tự nhiều điều, khoản để đảm bảo tính hợp lý của các quy định.
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình này để chủ trì thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.
Do vậy, để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Cơ quan soạn thảo việc ghi nhận hình thức tổ chức này trong dự thảo Luật theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập với các nhiệm vụ cụ thể; giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động.
Nguồn TTXVN/Vietnam+