Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Bài 1: Đạo đức, nhân văn, hướng thiện 

Thứ hai - 21/02/2022 22:42
BTN - Đạo đức, nhân văn, hướng thiện là những nội dung có ý nghĩa to lớn, sâu sắc trong đời sống tinh thần. Tôn giáo chân chính luôn hướng con người đến các giá trị cao đẹp, "chân thiện mỹ", tránh làm điều xấu, không gây hại cho người khác, biết sống vì cộng đồng.

Tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ góp phần thoả mãn đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo người dân, xã hội mà còn góp phần phát triển đất nước. Quan điểm vừa nêu được Đảng thừa nhận, khẳng định nhiều lần qua mỗi kỳ Đại hội, điều đó thể hiện đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đạo đức, nhân văn, hướng thiện là những nội dung có ý nghĩa to lớn, sâu sắc trong đời sống tinh thần. Tôn giáo chân chính luôn hướng con người đến các giá trị cao đẹp, "chân thiện mỹ", tránh làm điều xấu, không gây hại cho người khác, biết sống vì cộng đồng.

Lễ đắp núi cát của đồng bào Khmer trong dịp Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16.10.1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đã khẳng định đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2.7.1998 khẳng định cần phát huy giá trị đạo đức, văn hoá của các tôn giáo.

Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục khẳng định quan điểm tôn trọng và phát huy giá trị văn hoá, đạo đức của tín ngưỡng, tôn giáo "khuyến khích lý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện..." trong tôn giáo, đồng thời tuyên truyền giáo dục, khắc phục tệ mê tín dị đoan, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu.

Gần đây nhất, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thêm một lần nữa khẳng định “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Mặc dù văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo có đóng góp cho sự phát triển đất nước, nhưng trên thực tế, việc đóng góp của văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo lại phụ thuộc nhiều vào chính sách, cơ chế và những quy định cụ thể.

Chính vì thế, có thể nói hiện nay chúng ta vẫn chưa phát huy được một cách đầy đủ vai trò, giá trị của văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo cho sự phát triển đất nước, điều đó dẫn đến lãng phí "nguồn tài nguyên" hết sức có giá trị.

Mặt khác, để có thể phát huy vai trò của văn hoá nói chung, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, chúng ta cần xây dựng nền văn hoá lành mạnh, ngăn chặn, xoá bỏ những khía cạnh tiêu cực, hạn chế, thậm chí là phản văn hoá đang diễn ra hiện nay như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đã chỉ ra.

Đây là những vấn đề, nội dung cần được nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn về văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo, về giá trị, vai trò, đóng góp của văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đối với sự phát triển đất nước, đồng thời nêu ra những hạn chế, bất cập, những vấn đề đặt ra đối với văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.

Hiểu một cách chung nhất, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo là toàn bộ những giá trị mà các tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo ra trong quá trình hình thành, phát triển trong mối tương quan với văn hoá nói chung, với các lĩnh vực của đời sống con người nói riêng.

Văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, những nguyên tắc ứng xử của con người với thần, thánh, đồng thời cũng chính là những mong cầu của con người trong cuộc sống hằng ngày. Văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo phản ánh tầng sâu trong đời sống tinh thần của con người.

Nói đến văn hoá nói chung, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, chúng ta thường đề cập tới hai phương diện cơ bản là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây cũng chỉ là cách phân chia mang tính tương đối.

Trên phương diện văn hoá vật thể, các tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo ra nhiều công trình là những di sản văn hoá quốc gia và thế giới. Những công trình này có công trình đã tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, trải đều trên khắp các địa phương, vùng miền trên cả nước.

Chẳng hạn như di tích chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Hương, đền Quán Thánh, đền Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Vĩnh Nghiêm, khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén (Huế), chùa Thập tháp Di Đà (Bình Định), chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), Khu di tích Mỹ Sơn, nhà thờ đá Sapa, nhà thờ La Vang (Quảng Trị), nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh), Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, Thánh đường Islam giáo Mubarak (An Giang), các đền tháp Chăm ở miền Trung.

Việt Nam hiện có khoảng 30.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo khác nhau, cùng hàng chục ngàn cơ sở tín ngưỡng trải dài trên khắp các vùng miền cả nước. Đáng lưu ý, các di tích tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ tồn tại một cách độc lập mà còn tạo ra không gian văn hoá, quần thể văn hoá mang tính rộng lớn như quần thể di tích danh thắng Yên Tử (bao gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) mang đậm chất tín ngưỡng tôn giáo, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá của dân tộc.

Đây cũng là quần thể di tích thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch. Tương tự, tại Tây Ninh có quần thể di tích văn hoá, lịch sử núi Bà Đen, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, khách hành hương.

Không chỉ tạo những di tích nổi tiếng, tín ngưỡng, tôn giáo còn tạo ra và để lại nhiều những di vật có giá trị như bia ký, các pho tượng cổ, các chuông, khánh cổ, mộc bản, các bức hoành phi, câu đối, những bức phù điêu, các mảng chạm khắc, các tác phẩm, kinh sách cổ có giá trị... Rất nhiều các di vật này đã trở thành bảo vật quốc gia, được thế giới ghi nhận như di sản ký ức của nhân loại.

Bên cạnh văn hoá vật thể, tín ngưỡng, tôn giáo cũng góp phần tạo ra văn hoá phi vật thể. Đó là những giá trị đạo đức, nhân văn, những triết lý trong ứng xử với con người, với tự nhiên và xã hội, những loại hình nghệ thuật, lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo.

Có thể nêu ra đây rất nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo đã tồn tại từ lâu đời, được giữ gìn, bảo tồn phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội núi Bà Đen… Thống kê của ngành văn hoá, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó có 600 lễ hội tôn giáo, số còn lại đa phần gắn liền với tín ngưỡng.

Trong tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều tư tưởng đạo đức, nhân văn, hướng con người tránh làm điều ác, hướng thiện như tư tưởng từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo, tư tưởng kính Chúa, yêu người của Công giáo, Tin Lành…..

Tôn giáo nào cũng đưa ra những quy định khuyên con người thực hành để trở thành một con người tốt. Phật giáo đưa ra ngũ giới, gồm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Trong số 10 điều răn của Công giáo, có tới 7 điều khuyên răn con người làm việc thiện: Hãy thảo kính cha mẹ, chớ giết người, chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chuyện giả dối, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người.

Những tư tưởng, triết lý, đạo đức cao đẹp của các tín ngưỡng, tôn giáo góp phần xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam bao nhiêu thế hệ. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội đang có dấu hiệu khủng hoảng, việc phát huy những giá trị đạo đức, tinh thần nhân văn, hướng thiện của các tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng xã hội Việt Nam trên phương diện tinh thần.

Có thể nói, hàng chục ngàn di tích tín ngưỡng, tôn giáo, hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo là những giá trị di sản vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá của dân tộc. Những di sản này là minh chứng rõ ràng về nền văn hoá dân tộc, về lịch sử dân tộc, phản ánh truyền thống lao động sản xuất, truyền thống đấu tranh với thiên tai địch hoạ, đồng thời phản ánh sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc cũng như sự sáng tạo của bao nhiêu thế hệ trong lịch sử.

Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá để chúng ta có thể khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, các địa phương, vùng miền nói riêng. Một cách khái quát, giá trị văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo là tổng hoà, là sự kết tinh của các yếu tố vật thể, phi vật thể.

Đó là sản phẩm của quá trình hình thành tín ngưỡng, tôn giáo, phát triển và gắn với lịch sử dân tộc. Văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền văn hoá dân tộc. Nó không chỉ thoả mãn đời sống văn hoá của xã hội ở mỗi một giai đoạn lịch sử, mà còn có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước nói chung, sự phát triển của văn hoá nói riêng trong giai đoạn kế tiếp.

Việt Đông

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp