Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Du lịch quê mình, đừng quên rạch Tây Ninh (Tiếp theo kỳ trước) 

Thứ ba - 01/03/2022 12:59
BTN - Cho dù cảnh quan rạch Tây Ninh đẹp đến mấy, mà chỉ có vậy thôi, thì cũng chán. Trong cảnh quan, phải là những điểm nhấn của thiên nhiên hoặc con người tạo dựng, ghi dấu và khơi gợi lại câu chuyện về vùng đất, con người từ quá khứ xa xăm.

Chùa Vĩnh Xuân

Quá khứ ấy có thể là vài trăm năm, thậm chí tới trên cả ngàn năm, như trường hợp ở bến Miếu Bà Ngũ Hành thành phố Tây Ninh, thuộc khu phố 5, phường 1. Đây có thể là di tích xa xưa nhất hiện có trong Thành phố. Báo cáo khoa học “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” do Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ thực hiện năm 2011 ghi nhận về di tích này như sau:

“Ngôi miếu Ngũ hành thuộc khu phố 5, phường 1, thị xã (nay là thành phố) Tây Ninh. Ngôi miếu được xây dựng trên khu gò đất đắp cổ, khu gò có chiều Đông-Tây 29m, chiều Bắc-Nam 31m. Khu tường rào bao quanh ngôi miếu gần chiếm hết mặt gò… xa xa, cách đó 50m là bến thuyền của rạch Tây Ninh (Bến Miễu)… 

Phía Nam có một gò đất nhỏ, có chiều Bắc- Nam 6m, chiều Đông-Tây 7m. Trên gò có một cây duối và cây bồ đề cổ thụ, rễ của hai cây này bao trùm lên gò đất, những chỗ không có rễ đã nhìn thấy gạch cổ nằm lộ ra trong đất, có những nơi còn nhìn thấy gạch cổ xếp thành vỉa.

Trong cái am thờ nhỏ được xây trên mặt gò dưới gốc cây bồ đề có để một cái đầu của tượng thần Vishnu, người canh miếu cho biết đầu tượng nhặt được trong khu vực miếu Ngũ hành. Qua khảo sát có thể nghĩ rằng: Ngôi miếu Ngũ hành đã xây đè lên một phần của một kiến trúc cổ thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo và hậu Óc-eo, có niên đại trên 1.000 năm cách ngày nay…”

Vậy là có thể còn những di vật thời kỳ văn hoá Óc-eo (thế kỷ 1-7) trong lòng gò miếu Ngũ Hành. Dù chưa khai quật khảo cổ lần nào đã có đầu tượng thần Vishnu (bằng đá) trồi lên mặt đất. Ngoài ra, còn có ngôi miếu Ngũ Hành trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Xin kể thêm là trước năm 2011, vào năm khu gò miếu được khảo sát thì đã từng tồn tại ở phía Nam một gò đất đắp khác. Trên đỉnh gò có một lỗ đào của những người đi đào tìm cổ vật. Dân địa phương cho biết, họ đã đào được rất nhiều đồ gốm sành sứ trên gò. Trên gò ấy cũng có hai cây cổ thụ, mà người có quyền sử dụng đất đã bán đi.

Gò cũng đã được san ủi bình địa, thậm chí có nơi còn đào ao cá. Dù vậy, việc còn lại ngôi gò miếu được người dân khu phố đặc biệt tín ngưỡng và bảo vệ cũng đã là một di vật vô giá. Không hiểu vì sao, cho đến nay ngôi gò và miếu này vẫn chưa được công nhận di tích lịch sử văn hoá để tăng thêm sức “đề kháng” trước nguy cơ của phát triển và đô thị hoá?

Rõ ràng, miếu Ngũ Hành xứng đáng là điểm du lịch số 1 trên sông rạch Tây Ninh. Nhất là khi đối diện miếu, bên tả ngạn rạch lại là khu vườn cò thuộc khu phố 4, phường 3. Suốt 6 tháng, kể từ tháng 10 trở đi, lúc nào cũng xao xác đầy trời những cánh chim di trú bay về trong ánh hoàng hôn rực rỡ. Nơi này cũng chỉ cách cầu Quan 700-800m khi xuôi về phía hạ nguồn.

Có một cụm di sản văn hoá ở sát gần với cầu Quan. Đấy là cụm 3 công trình kiến trúc cổ. Một là chùa Vĩnh Xuân, được coi như chùa “tiền trạm” của các chùa núi Bà Đen. Cuối thế kỷ 19, giao thông còn chủ yếu là đường thuỷ, khách lên viếng núi Bà phải theo tàu, ghe ngược sông Vàm Cỏ Đông, vào rạch Tây Ninh.

Du khách có thể neo đậu tàu ghe ngay bến trước chùa, lên chùa nghỉ tạm để hôm sau tiếp tục hành trình bằng xe bò lên núi viếng Bà. Chùa được sư tổ Phước Chỉ cho xây dựng, hoàn thành vào năm 1871.

Cho đến nay, sân chùa vẫn còn những cây sứ già cổ thụ cong queo thân gốc, xù xì rêu bám nhưng không hề ngưng nghỉ bung hoa; những cây bông trang cũng đã lớn cao nở đầy bông trắng. Trong chánh điện vẫn còn nhiều pho tượng gỗ, cổ và đẹp với óng ánh sắc vàng son quá khứ, dù 150 năm lịch sử đã trôi qua.

Ngay bên cạnh chùa, cách một con hẻm là ngôi nhà cổ của cụ Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên, đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Nhà được hoàn thành năm 1894, được coi là ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn nhất.

Nhà chính được xây trên diện tích 12x 20m, bên trong còn thêm một phần lầu gác. Cấu trúc nhà chủ yếu là kết cấu gỗ với diện tích hàng trăm mét vuông được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Chạm lộng và phù điêu. Rồng bay và phượng múa. Có cả những tùng, trúc, cúc, mai, cá hoá rồng, chim sẻ chuyền cành, nai vàng ngơ ngác… cùng nhiều loại hoa trái của vùng đất miền Nam. Du khách có thể sẽ thật thích thú khi được biết đôi câu đối chữ Hán thếp vàng trên đôi cột giữa. Đấy là:

- Thượng tiếp thanh sơn, thể phụng, kim long, tiện thị cao môn đệ nhất.

- Tiền hoàn bích thuỷ, châu y, huỳnh cai, phương xưng thắng địa vô cùng.

Ra ngoài cửa, đứng trên hành lang có những con tiện gốm sứ màu xanh ngọc của gốm cổ Biên Hoà, Cây Mai là sẽ thấy ngay ý nghĩa của đôi câu ấy. Đấy là: Ngước mắt thì thấy núi xanh, có hình chim phượng, rồng vàng, đúng là một cửa cao nhất/ Ngay trước mặt là dòng nước chảy (rạch Tây Ninh) như dải lụa son óng ánh vàng, thật xứng là thế đất đẹp khôn cùng.

Giữa hai kiến trúc đã được công nhận là di tích LSVH này là một con hẻm rộng. Đi lên vài chục mét vẫn còn một ngôi kiến trúc nhỏ nhưng cũng rất đáng quan tâm. Đấy là đình Thái Vĩnh Đông, mà lịch sử hình thành nó đến nay vẫn có gì đó hơi bí ẩn.

Hơn 10 năm nay là đình, nhưng trước đó là ngôi miếu thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Ngôi này có quan hệ với ngôi miếu Trạm bơm trên phía thượng nguồn, cũng thuộc địa bàn khu phố 2, phường 1. Vì vậy, khi miếu Trạm bơm được xây khang trang thì việc thờ phụng Quan lớn Trà Vong được tập trung về một miếu Trạm bơm.

Ngôi miếu cũ “biến” thành đình Thái Vĩnh Đông, thờ vị thành hoàng Đỗ Hữu Vị, được vua Bảo Đại phong thần cho làng Ninh Thạnh vào năm 1937. Thế nhưng, trước khi trở thành miếu và đình thì ngôi thờ tự này còn có một tên gọi khác là Di Hữu Xã (của làng Ninh Thạnh xưa).

Di Hữu Xã là nơi lưu giữ những vật quý của làng. Không rõ được lập từ khi nào, nhưng trải qua bao biến thiên thời cuộc và cả tâm linh tín ngưỡng, thì đến nay đình Thái Vĩnh Đông vẫn còn vài ba vật quý. Thứ nhất là tấm bảng đại tự chữ thần bằng gỗ ván của ngôi đình xưa, trên có khắc năm là 1897. 

Thứ hai là hộp sắc phong của vua Bảo Đại, có bản sắc phong cho “Đệ tam khuyên quan (Quan ba) Đỗ Hữu Vị tử trận tôn thần”. Vật thứ ba, cũng không kém phần quý giá chính là bản tiểu sử Đức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh, do Ban Cúng tế miếu đánh máy thành văn bản vào mùa xuân Quý Sửu (1973). Văn bản này được để chung trong hộp sắc phong.

Vậy là chỉ trên chiều dài hơn 1 cây số rạch Tây Ninh chảy qua “lõi” trung tâm Thành phố, đã có tới 4 di tích đáng xem, để du khách có thể chiêm nghiệm, suy ngẫm về chiều dài cả ngàn năm đổi thay và phát triển vùng đất nay là thành phố Tây Ninh. Mà, rạch Tây Ninh vẫn còn dài lắm, vươn tới phía thượng nguồn sông, nơi có suối Vàng, suối Ông Tuấn - Trà Phí… từ núi chảy ra. Rạch cũng vươn xa về phía Bắc, nơi có con suối Trà Vong chảy ngang qua trước mộ Huỳnh Công Giản. Nơi đây từng có căn cứ Trà Vong nổi tiếng của quân dân Tây Ninh thời chống Pháp.

(còn tiếp)

TRẦN VŨ

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp