Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Gìn giữ di sản ở vùng Mỏ Ó- Trảng Bàng - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 15/07/2022 15:29
BTN - Thoạt tiên, tôi đã rất ngạc nhiên khi cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - anh Biện Văn Đức (Chín Đức) gọi quê mình là vùng Mỏ Ó. Sau mới rõ ra đây chính là vùng Mỏ Vẹt, nơi “ngã ba biên giới” giữa 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Svay Rieng của nước bạn Campuchia.

Đình Trung Phước Chỉ.

Thoạt tiên, tôi đã rất ngạc nhiên khi cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - anh Biện Văn Đức (Chín Đức) gọi quê mình là vùng Mỏ Ó. Sau mới rõ ra đây chính là vùng Mỏ Vẹt, nơi “ngã ba biên giới” giữa 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Svay Rieng của nước bạn Campuchia.

Đã có vài cuốn sách sử nhắc đến vùng đất này. Vì đây cũng là lối đi sang các địa danh gắn bó với các nhóm Đảng thời kỳ đầu cách mạng. Như nhóm Đảng ở Giồng Nần thì gắn với địa danh Ba Ty, nơi có Chi bộ Đảng Cộng sản thuộc Quân uỷ Đức Hoà tỉnh Long An những năm 1930; hay địa danh Ba Thu, cũng là các đầu mối đi về của quân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến.

Còn tại sao lại gọi là Mỏ Vẹt, Mỏ Ó? Là vì trên bản đồ, vùng đất này giống hình cái đầu con chim vẹt (hay ó). Vậy thôi! Ngay dưới cái Mỏ Ó ấy có một rẻo đất hẹp và dài, mong manh như chiếc lá. Đấy là ấp Phước Mỹ của xã Phước Chỉ, với cái tên ấp A8 ngày còn chiến tranh biên giới. Cái tên mà cô chủ trại cà cuống Phong Lan viết lên tấm bảng hiệu của trại một cách đầy tự hào là “Vùng biên A8- Tây Ninh”.

Đi theo con đường vành đai biên giới vài cây số nữa từ trại cà cuống ta sẽ bước qua đất huyện Đức Huệ, Long An, được đánh dấu bằng một trạm kiểm soát y tế thời phòng, chống dịch Covid- 19. Từ miền đất cực Nam của Tây Ninh này đi thêm một chặng thì có lối rẽ trái về huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đây chính là nơi có ngôi đình thứ ba của làng Phước Chỉ xưa, dưới thời thuộc Pháp.

Theo Dương Công Đức trong Trảng Bàng phương chí, thì đến năm 1956, chính quyền Sài Gòn mới “cắt ấp Phước Mỹ cho nhập về tỉnh Long An”. Ngôi đình “tha hương” xứ khác. Cho dù vậy, người dân A8 xưa, Phước Mỹ nay vẫn không quên di sản của ông bà để lại. Họ vẫn thường đi qua, góp công sức tiền bạc tôn tạo trùng tu và hương khói phụng thờ vị thành hoàng từng bảo vệ ông bà từ hồi khai cơ mở đất.

Cả 3 ngôi đình Phước Chỉ đều thờ chung một vị thành hoàng. Ngài là Biện Văn Đống, người được coi là đã dẫn dắt những cư dân Việt đầu tiên đến đây lập nghiệp vào những năm cuối thế kỷ 18. Ngài đã “tuẫn tiết” trong một cuộc chiến đấu bảo vệ nhân dân trên miền quê mới (Dương Công Đức- Trảng Bàng phương chí, 2016). Về sau, người Phước Chỉ đã tôn vinh ngài là thành hoàng, bảo hộ cho vùng đất biên cương. Ngay cả ngôi đình “tha hương” nay thuộc về Mỹ Quý Đông cũng tôn thờ Biện Văn Đống là thành hoàng theo lệ cũ, giống như ở 2 ngôi bên Phước Chỉ.

Thật hiếm có một miền quê nào, dù chưa có nhiều phố rộng nhà cao, dù đời sống của người dân còn khó khăn mà vẫn giữ gìn bảo vệ, chăm sóc di sản của cha ông như ở làng quê Phước Chỉ. Cho dù những năm kháng chiến chống Mỹ, quân đội Sài Gòn đã coi đây là “vùng trắng”, vùng “oanh kích tự do” nên sau hoà bình chỉ còn lại đổ nát hoang tàn.

Vậy mà không bao lâu sau, thì đình miếu lại mọc lên từ giữa tro tàn gạch nát. Điển hình là 2 ngôi: Đình Trung ở ấp Phước Đông và đình Giồng Găng ở ấp Phước Hoà. Nơi nào cũng có cảnh quan đẹp mắt, được tu sửa và chăm nom nhang khói hằng ngày, cho dù quy mô mới chỉ như một ngôi miếu ở, nơi khác. Đình Giồng Găng như được che chở dưới bóng một cây me tây cổ thụ, vươn cao và xoè rộng trên đầu.

Vào mùa xuân, cây nở đầy một sắc hoa hồng tím như một vồng hoa lồng lộng dưới trời xanh. Còn bên đình Trung, đất đình vẫn giữ được cả một vườn cây cổ thụ. Dáng cây quắc thước, tán cây cao sum suê toả bóng khắp đất đình. Người dân gọi đây là “cây quéo”.

Vậy nên đình còn có tên thường gọi là đình Gò Quéo. Tiếng là “đình Trung” nhưng đình Gò Quéo mới chỉ có một gian thấp, tường xây mái thiếc. Trong đình vừa kê được 4 ban thờ: thành hoàng, tả ban, hữu ban và một bàn thờ “Cửu huyền trăm họ”. Ngoài sân có thêm một ban thờ có tượng Thần Nông, Ông Hổ và một ngôi miếu nhỏ. Chỉ vậy thôi mà người Phước Chỉ đã hết lòng tự hào, như một lời thơ của một nhà thơ: “Hùng vĩ đình Trung ấp Phước Đông/ Kỳ quan thắng cảnh rạng non sông/ Dân gian lặng ngắm như châu ngọc/ Đất nước say nhìn tựa gấm bông…”.

Chưa đủ! Đất đình Trung còn trầm tích một nền văn hoá cổ xưa là văn hoá Óc-eo. Các nhà khảo cổ đã xác định Gò Quéo là một “nền đất đắp cổ, đất được đào ở bàu nước cổ phía Đông đắp lên, bàu có cạnh Bắc - Nam trên 40m, cạnh Đông - Tây gần 100m… hiện dân địa phương đang cấy lúa dưới lòng bàu… Dựa vào vết tích của bàu nước cổ, đoàn khảo sát đã xác định được đây là một di tích cổ thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, có niên đại trên 1.000 năm cách ngày nay”- (báo cáo khoa học “Ðiều tra xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”, Bảo tàng Tây Ninh, năm 2011).

Ông Biện Văn Đức đã từng rất quan tâm chú ý đến các di chỉ khảo cổ có niên đại ngàn năm trên vùng quê Mỏ Ó. Hồi ông còn làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã đã nhiều lần kiến nghị địa phương đầu tư làm mái che bảo vệ các di tích gạch đá còn lại tại miếu Bà ấp Phước Thuận, theo đề nghị của các nhà khảo cổ. Tuy nhiên, do một số khó khăn, di chỉ này tưởng chừng bị rơi vào quên lãng. Đến đầu năm 2022, người dân ấp Phước Thuận đã tự lực xây dựng nên một chiếc võ ca ngay trước miếu Bà. Dù chỉ bằng tôn, sắt nhưng cũng đủ che mát cho vài chục mét vuông, làm chỗ nghỉ cho người về cúng miếu.

Đình Giồng Găng.

Tín ngưỡng là một lẽ, nhưng quan trọng hơn là từ tín ngưỡng này sẽ góp phần bảo vệ một di chỉ khảo cổ học “rất đẹp” (chữ của các nhà khảo cổ). Và có thể cũng là di chỉ rất quan trọng khi nghiên cứu về văn hoá Óc-eo trên vùng đất Tây Ninh. Chỉ cần một ngôi nhà- được dựng ở phần sau ngôi miếu nhỏ, là toàn bộ những di chỉ: các gò tháp gạch, tảng đá được chạm khắc làm kết cấu tháp xưa đã được bảo vệ khỏi nắng mưa. Cũng là một điều an ủi muộn màng cho cổ tháp, sau ngàn năm hứng mưa đội nắng và gánh chịu cả đạn bom tàn phá.

Bây giờ thì gò miếu Bà có thể lại là một điểm đến lý thú cho những ai ưa thích khám phá những vùng đất xa xôi như vùng Mỏ Ó. Nước lấp lánh dưới bàu. Rừng dương, lá và bông tràm xào xạc trên cao. Tổ chim dồng dộc chung chiêng treo như những mảnh trăng huyền ảo. Những thềm gạch đá của ngàn năm xưa thấp thoáng dưới cỏ lau. Tưởng những câu thơ của Bà huyện Thanh Quan tái hiện: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương…” (Thăng long thành hoài cổ).

Trần Vũ

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp