Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Lão nông yêu rừng - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 09/12/2022 12:35
BTN - Hơn 70 tuổi, ông vẫn tiếp tục dự án biến những mảnh đất hoang vu thành “lá phổi xanh” để lại cho đời.

Nhiều cây rừng, ông Ten vòng tay ôm không giáp.

Ngày nào cũng vậy, ăn sáng, cà phê xong, ông Ten cuốc bộ vào rừng. Nhìn cả trăm héc-ta rừng của mình xanh tốt và trở thành nơi trú ngụ cho vô số chim muông, bất giác, lão nông nở nụ cười hạnh phúc. Hơn 70 tuổi, ông vẫn tiếp tục dự án biến những mảnh đất hoang vu thành “lá phổi xanh” để lại cho đời.

Mua đất trồng rừng

Ông Võ Văn Ten, 74 tuổi, ngụ ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, nhớ lại hơn 30 năm trước, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, hằng ngày, vợ chồng ông đi khai khẩn đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng để trồng mì.

Dành dụm được tiền, vợ chồng ông sang nhượng lại đất đai của người khác để canh tác nông nghiệp. Cứ như thế, dần dần diện tích đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng của gia đình ông lên đến 100 ha. Khi đời sống kinh tế ổn định, lão nông quyết định chuyển hơn phân nửa diện tích đó để trồng cây tràm nước. Số đất còn lại gia đình ông canh tác cây mì và mỗi năm, ông chuyển từ 5-7 ha đất trồng mì sang trồng cây rừng.

Ông Ten kể: “Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, tôi trồng tràm không có hàng lối, nên cây lớn không đồng đều và gặp khó khăn trong việc thu hoạch, phòng chống cháy rừng. Mấy năm gần đây, tôi rút kinh nghiệm, trồng tràm theo hàng lối, mỗi cây, mỗi hàng cách nhau 2 mét. Nhờ vậy, cây tràm lớn nhanh, đều, thuận tiện cho việc chăm sóc”.

Ngoài diện tích đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng, gia đình ông Ten còn khoảng 50 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Suối Đá. Trong đó, ông đã trồng 4 khoảnh rừng, mỗi khoảnh rộng hơn 10 ha. Trong mỗi khoảnh rừng đó ông trồng xen kẽ nhiều loại cây gỗ quý như sưa, trắc, cẩm lai, sao, dầu, gõ, sến, xà cừ, giá tỵ...

Một số cây rừng đã hơn 20 năm tuổi. Có những cây cao cả chục mét, thân cây vòng tay người lớn ôm không giáp. Có thương lái đến trả giá mua toàn khu rừng với giá 2,5 triệu đồng/cây, nhưng ông không bán. “Trừ những cây rừng bị bệnh, tôi mới tính đến chuyện thu hoạch, nếu chúng khoẻ mạnh thì tôi sẽ để cho chúng sống hoài chứ không khai thác”- lão nông khẳng định.

Đặc biệt trong khu rừng phía sau nhà, ông Ten trồng 500 cây dó bầu, nay còn sống được 300 cây và đã hơn 20 năm tuổi. Các cây này đều đến giai đoạn cấy trầm, nhưng ông Ten chưa dự định tác động vào cây mà vẫn để cây tiếp tục sinh trưởng.

Những năm gần đây, lão nông 74 tuổi này còn trồng thử nghiệm cây loại cây gáo vàng trên vùng đất ngập trong hồ Dầu Tiếng và ở những vùng đất gò. Bước đầu cho thấy loại cây rừng mới này sinh trưởng tốt trên cả hai địa hình ngập nước và khô hạn.

Được hỏi vì sao ông lại dành nhiều đất đai trồng rừng mà không phải trồng cây cao su hay các loại cây khác, lão nông chia sẻ, chỉ có rừng mới đem lại nhiều lợi ích như giúp cân bằng môi trường sinh thái, chống xói mòn, giữ ẩm, giữ nước, làm nơi cư trú, sinh sản cho các loài côn trùng, chim, cá.

Mỗi khi cây rừng có dấu hiệu sâu bệnh, ông Ten cẩn thận tìm hiểu nguyên nhân và cách chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng cây.

Lan toả tình yêu thiên nhiên

Để trồng được rừng như hôm nay, ông Ten được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp, lâm nghiệp tỉnh hướng dẫn cách trồng. Mặt khác, ông cũng tự rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Theo ông Ten, cây mới trồng trong 3 năm đầu không nên bón phân vì sẽ ra tán lá xum xuê, dẫn đến dễ đổ ngã về sau.

Từ năm thứ 4 trở đi mới bắt đầu bón phân cho cây và phải tưới nước đầy đủ. Trong mỗi khu rừng, ông Ten đầu tư lắp đặt khoảng 100 van tưới nước, hệ thống dẫn nước từ những giếng khoan. “Khi mới trồng, cây rừng rất cần tưới nước để sinh trưởng. Cây đã lớn, vào mùa khô cần phải tưới để giữ độ ẩm và phòng chống cháy rừng”- ông Ten giải thích.

Điều khiến lão nông này không ngờ tới là trồng rừng còn đem lại nhiều điều thú vị khác, như những khoảnh rừng trồng của ông dần đa dạng như rừng tự nhiên. Trước đây ông trồng mỗi cây, mỗi hàng cách nhau 3 mét.

Sau đó, nhiều loại hoa, hạt từ những nơi khác phát tán theo gió hoặc nhiều loài chim, thú mang đến sinh sôi nảy nở trong rừng của ông từ lúc nào không hay. Đến nay, trong những khu rừng trồng này có nhiều loại cây mới lạ và có sự hỗn giao với nhiều tầng cây rậm rạp, trông giống như những khu rừng thường xanh của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên). “Nói thiệt, hiện giờ, trong rừng có nhiều loại cây tôi không biết tên. Mỗi lần có cán bộ Kiểm lâm đến tham quan, tôi đều tranh thủ hỏi tên của một số cây rừng mới”- ông Ten kể với vẻ thích thú.

Không chỉ quan tâm đến việc trồng rừng, lão nông này còn tận dụng bóng râm dưới tán cây rừng để trồng nhiều loại cây thuốc nam quý, hiếm. Phát hiện loại cây nào có dược tính tốt, mọc tự nhiên trong rừng của mình, ông đều tạo điều kiện cho chúng sinh sống.

Có dịp dạo bước trong những khu rừng này, ai cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những cây thuốc nam như đinh lăng, bồ công anh, ráng bay, bá bệnh, dương xỉ, ngải rừng... Có những loại cây đã được trồng lâu năm, có loại vừa mới ươm mầm. Đặc biệt, những loại thảo dược này được ông Ten tặng cho thầy thuốc nam để chữa bệnh cho người dân.

Ở tuổi 70, hằng ngày, ông Ten vẫn cần mẫn gieo màu xanh cho đất.

Không chỉ yêu rừng, lão nông này còn quý các loài côn trùng, muông thú. Vào mùa khô, ông Ten thường xuyên bơm tưới rừng để thượng cầm, hạ thú sinh sống. Thậm chí, ông còn cẩn thận đem nước đổ vào những chiếc máng bố trí sẵn trong rừng cho các loài chim uống và tắm mát.

Vợ chồng ông Ten có 7 người con và ông thường xuyên chia sẻ tình yêu rừng với các con. “Trong bữa cơm gia đình, tôi thường dạy dỗ con cái những điều thiết thực nhất như mình phải trồng rừng làm mát không khí, chống giông bão và cho chim chóc sinh sôi nảy nở. Từ đó các con của tôi cũng thích trồng cây rừng”.

Chị Võ Thị Kim Cương, 40 tuổi, con gái út của vợ chồng ông Ten kể: “Các anh chị em trong gia đình đều noi gương cha. Ai có phần đất trống nào cũng trồng kín các loại cây rừng”. Ông Ten vui vẻ cho hay: “Có một đơn vị trường học trong tỉnh đăng ký với tôi, sắp tới sẽ tổ chức cho 1.000 em học sinh đến những khu rừng này tham quan, tìm hiểu về môi trường sinh thái. Lãnh đạo nhà trường đề nghị tôi giới thiệu các em về quá trình trồng rừng, lợi ích của rừng, qua đó góp phần lan toả tình yêu thiên nhiên, môi trường đến với các em học sinh”.

Ghi nhận, biểu dương những đóng góp của lão nông Võ Văn Ten với thiên nhiên, môi trường, những năm qua, các ngành, các cấp đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho ông. Năm 2017, ông Ten được Trung ương hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh thời kỳ đổi mới.

Năm 2020, lão nông này vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời được UBND tỉnh tặng bằng khen tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2020, tổng kết phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” giai đoạn 2017- 2020... 

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp