Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) - Người Việt hiện nay là một trong những nhóm dân tộc thiểu số đông đảo nhất ở Campuchia, có những tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế chính trị, văn hoá - xã hội ở xứ sở chùa Tháp, cũng như mối quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có mối quan hệ lâu đời. Vị trí địa lý thuận lợi và hoàn cảnh lịch sử đã hình thành nên cộng đồng người Việt ở Campuchia từ rất sớm thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Người Việt hiện nay là một trong những nhóm dân tộc thiểu số đông đảo nhất ở Campuchia, có những tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế chính trị, văn hoá - xã hội ở xứ sở chùa Tháp, cũng như mối quan hệ giữa hai nước.
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Thành Văn thăm hỏi các em học sinh Việt Nam và Campuchia tại một điểm trường nổi trên Biển Hồ Tonle Sap thuộc địa bàn tỉnh Pursat, vương quốc Campuchia, tháng 9.2024.
Người Việt và các nhóm ngoại kiều khác đã có mặt ở Campuchia từ rất lâu trước thế kỷ XIX, do đó những nhà cầm quyền của nước này đã có nhiều đối sách với nhóm người này. Chính quyền bảo hộ của Pháp ở Campuchia chính thức được thành lập vào năm 1864, sau khi Pháp mở rộng thâu tóm miền Nam Việt Nam, đặt dưới quyền kiểm soát của Pháp vào cuối những năm 1850 với tên gọi Nam kỳ (Cochinchine).
Campuchia là một trong năm phần của Đông Dương thuộc Pháp. Các phần khác là thuộc địa Nam kỳ và các xứ bảo hộ An Nam, Bắc kỳ, Lào và vùng Quảng Châu Loan. Thời kỳ thống trị của Pháp đối với Campuchia kết thúc với việc chính thức trao trả độc lập vào năm 1953.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, số lượng người Việt ở Campuchia gia tăng mạnh mẽ do chính sách khuyến khích di cư. Số liệu điều tra dân số chính thức năm 1874, có khoảng 5.000 người gốc Việt ở Campuchia.
Năm 1921, một cuộc điều tra khác được tiến hành đã đưa ra con số là 150.000 người, chiếm 5,8% tổng dân số. Năm 1951, số lượng người Việt ở Campuchia ước tính khoảng 230.000 đến 250.000 người. Năm 1963, chỉ tính riêng người Việt vào Campuchia để làm việc trong các đồn điền cao su và được bảo vệ bởi luật lao động có từ thời Pháp đã là 20.000 người.
Dưới thời thuộc địa, chính quyền bảo hộ Pháp đã khuyến khích di cư sang Campuchia, số lượng người gốc Việt ở Campuchia tăng nhanh. Nhìn chung, người Việt thời kỳ này chủ yếu làm việc trong ba lĩnh vực: Thứ nhất là trong bộ máy chính quyền thuộc địa, đặc biệt là các cơ quan dân sự.
Ở đây, người Pháp tỏ ra ưu tiên các quan chức người Việt phần vì có nhiều người nói được tiếng Pháp hơn là người Khmer. Thứ hai là trong các đồn điền cao su do người Pháp thành lập, nhất là ở vùng Đông Campuchia, nơi nhiều người Việt được đưa đến làm nhân lực trong các đồn điền.
Khu vực thứ ba là dịch vụ tư nhân, chủ yếu ở Phnom Penh, người Pháp khuyến khích việc di cư của các nghệ nhân Việt Nam như thợ mộc, thợ may, thợ hồ, thợ cơ khí và thợ sửa ống nước. Một số lượng lớn nông dân và ngư dân Việt cũng được phép sang Campuchia định cư.
Từ năm 1920 đến năm 1930, việc khai phá để lập đồn điền cao su ở những vùng đất màu mỡ rộng lớn của Campuchia đã đòi hỏi phải tìm kiếm công nhân từ các khu vực đông dân cư của Bắc kỳ và Bắc An Nam.
Do đó, Campuchia đã trở thành một nước nhập cư thời kỳ này. Bên cạnh đó, nhờ sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ trên toàn Đông Dương của Pháp nên việc đi lại giữa Việt Nam và Campuchia trở nên dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh này, nhiều người Việt vì hoàn cảnh khó khăn tại quê hương, vì chiến tranh, vì nạn đói, nhất là ở các tỉnh giáp với Campuchia đã tìm mọi cách sang Campuchia để sinh sống và làm việc trong các đồn điền cao su dẫn đến số lượng người gốc Việt ở Campuchia tăng nhanh trong thời kỳ Pháp thuộc. Tính đến năm 1963, có khoảng 20.000 người Việt được bảo vệ bởi luật lao động có từ thời Pháp.
Hoa hậu Thuỳ Tiên cùng Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Tết hạnh phúc cho kiều bào tại Campuchia” tặng quà cho học sinh là con em người gốc Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên và một số gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Kandal, Campuchia, tháng 1.2024
Hiện nay, người Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số có lịch sử lâu đời, có số lượng đông nhất và là cộng đồng kiều bào gặp nhiều khó khăn nhất vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Theo thống kê chính thức từ chính phủ Campuchia, hiện nước này có hơn 103.000 người Việt sinh sống.
Nếu tính theo thời gian sinh sống thì người Việt có thể chia thành 3 nhóm: nhóm định cư lâu năm và đã được nhập quốc tịch Campuchia, nhóm những người Việt cũng định cư lâu năm nhưng chưa được nhập quốc tịch (người Việt ở làng nổi Biển Hồ thuộc nhóm này) và nhóm người mới đến những năm gần đây.
Chính quyền Campuchia cũng đã ra thông báo công nhận giá trị của thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Campuchia, trong đó có cộng đồng người gốc Việt. Bộ Nội vụ nước này đề nghị các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan hành chính địa phương và khu vực tư nhân chấp nhận thẻ thường trú dành cho nước ngoài tại Campuchia là giấy tờ pháp lý phục vụ nhu cầu sử dụng hằng ngày. Đây là thông báo quan trọng đối với cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, tạo điều kiện cho cộng đồng gốc Việt có địa vị pháp lý vững chắc hơn khi sinh sống tại nước sở tại.
Việt Nam và Campuchia quan tâm hợp tác, tạo điều kiện để bà con gốc Việt tại Campuchia sinh sống ổn định, hợp pháp tại Campuchia; hỗ trợ học bổng; xây dựng trường dạy tiếng Việt và tiếng Khmer... qua đó góp phần vun đắp quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.
Trần Long